Theo dõi trên

Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền: Thao tác khó khăn, lúng túng trong những ngày đầu

04/07/2024, 05:05

Từ ngày 1/7/2024, khách hàng thực hiện giao dịch chuyển tiền, thanh toán trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng sẽ phải xác thực sinh trắc học (khuôn mặt). Thông tin trên làm nhiều người lúng túng không biết cài đặt như thế nào và đã gặp không ít trục trặc khi không thể chuyển tiền trong những ngày đầu áp dụng quy định mới.

Xếp hàng… chờ hỗ trợ

Chiều ngày 1/7, tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh Liên Hương – huyện Tuy Phong, rất đông khách hàng đến giao dịch, liên hệ cập nhật dữ liệu sinh trắc học khi không thể chuyển số tiền lớn hơn 10 triệu đồng. Theo nhân viên ngân hàng, trục trặc phần lớn là do người dân nơi đây chủ yếu dùng điện thoại đời cũ, không đọc được thông tin chip CCCD qua NFC (kết nối không dây). Ngoài ra, thông tin của khách hàng trên hệ thống tại thời điểm mở tài khoản khác với thông tin trên CCCD gắn chip, dẫn đến giao dịch gặp khó khăn. Anh Minh Thạch đang ngồi đợi để được hỗ trợ dữ liệu sinh trắc học cho biết: “Tôi có nghe thông tin 1/7 sẽ áp dụng quy định này khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên, nhưng không nghĩ việc cập nhật buộc khách hàng phải có điện thoại thông minh tương ứng. Tôi là dân kinh doanh, mấy năm nay đều giao dịch qua ứng dụng trên điện thoại khá thuận lợi khi không giới hạn số tiền. Nay lại bắt nhận diện khuôn mặt thông qua CCCD, tôi nghĩ sẽ gây phiền hà cho người dân, buộc chúng tôi phải đổi điện thoại, hoặc phải đến ngân hàng giao dịch trực tiếp, nhất là những người làm kinh doanh nhỏ rất mất thời gian…”.

z5594769525199_4b02be05d1087a71085ec3f607b8bde1.jpg
Những ngày đầu áp dụng quy định mới, khách hàng đến các quầy giao dịch chờ hỗ trợ rất đông.

Tại các ngân hàng khác như Đông Á, Sacombank, VP bank, Agribank… lượng khách hàng đến giao dịch nhờ hỗ trợ đông hơn ngày thường. Có người ngồi đợi 1 – 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa thể cập nhật được. Nhiều người phản ánh vì sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC nên không đăng ký được dữ liệu sinh trắc học, trong khi số khác dù điện thoại có hỗ trợ NFC nhưng quét cả chục lần vẫn không thể đọc được dữ liệu trên thẻ. Đồng thời, việc khó quét dữ liệu xảy ra ở cả dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android lẫn iOS. Chỉ những điện thoại xài hệ điều hành Android từ 8.0 trở lên và Iphone hệ điều hành iOS từ 13.0 trở lên (tương đương từ Iphone 6s) mới được cập nhật sinh trắc học qua ứng dụng. Một nhân viên ngân hàng chia sẻ: “Hầu hết nhân viên phải tăng ca làm đến 6 giờ chiều để hỗ trợ khách hàng. Không chỉ tại quầy, tổng đài 24/7 của các ngân hàng cũng hoạt động hết công suất trong những ngày qua khi khách hàng liên tục yêu cầu hỗ trợ. Do đầu tháng rồi lại đầu tuần, nên lượng khách đến giao dịch rất đông, nhất là trong ngày 1/7, khách không giao dịch được, tiền bị ùn tắc nhiều. Một số khách hàng chụp hình mấy chục lần nhưng vẫn không nhận diện được, hệ thống vẫn báo lỗi, ảnh hưởng tới khâu thanh toán, trải nghiệm”.

z5594778300389_fc1eb9732bbb90e940b5d91a657d8340.jpg
Đa số khách hàng sử dụng điện thoại không hỗ trợ NFC nên không đăng ký được dữ liệu sinh trắc học.

Không cập nhật vào đường link lạ

Những ngày qua, các ngân hàng, ví điện tử và người dùng đang chạy đua cập nhật dữ liệu sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN. Theo hướng dẫn, người dùng có thể chủ động thực hiện đăng ký dữ liệu sinh trắc học trên smartphone theo 3 bước: Chụp ảnh mặt trước và sau của CCCD gắn chip; Quét NFC trên CCCD gắn chip; Quét gương mặt và xác thực OTP. Chị Thanh Hương (phường Phú Trinh) cho biết, quá trình này diễn ra đơn giản, nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều người gặp khó khăn trong việc đăng ký dữ liệu sinh trắc học trên các ứng dụng (app) ngân hàng, phần lớn ở khâu quét NFC trên CCCD.

z5596952742893_80cda2cf89c296d118f2fe8dc261a438.jpg
Hệ thống các ngân hàng những ngày đầu tháng 7 thường bị lỗi.

Trả lời phỏng vấn Báo Bình Thuận trước đó, ông Phan Thanh Én – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận cho biết: Việc xác thực sinh trắc học khi giao dịch trực tuyến theo Quyết định 2345 là nội dung mới, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có thể giải quyết căn cơ vấn nạn lừa đảo, như khi giao dịch thì phải so khớp, phải xác thực khuôn mặt, nếu như không thể so sánh khuôn mặt trên hồ sơ gốc thì tội phạm không thể lấy được tiền. Mặt khác, khi thực hiện giao dịch thông thường trên 10 triệu đồng, người cho thuê, đi thuê tài khoản sẽ không sử dụng được tài khoản đi thuê khi phải xác thực khuôn mặt. Giới hạn này để phòng chống lừa đảo, tránh kẻ gian lợi dụng, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi khách hàng.

z5596852875823_b4b1dfc89070c38c30c9ee89cdc52e71.jpg
Cẩn thận không nhập vào đường link lạ, cung cấp bất kỳ thông tin nào tránh bị lừa đảo.

Cẩn thận không nhập vào đường link lạ, cung cấp bất kỳ thông tin nào tránh bị lừa đảo.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây các ngân hàng liên tục nhắc nhở khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng, đồng thời đưa ra các clip hướng dẫn trực quan cho khách hàng dễ thực hiện. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng lưu ý khách hàng để tránh trường hợp kẻ gian lừa đảo, khách hàng chỉ cập nhật thông tin qua app ngân hàng, không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ website hay ứng dụng nào khác. Ngân hàng cũng tuyệt đối không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật... qua điện thoại hoặc qua đường link. Lợi dụng những ngày đầu các hệ thống ngân hàng đang quá tải, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện hỗ trợ khách hàng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kẻ gian gọi điện, tự xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu người dân gửi thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân (CCCD) để hỗ trợ xác thực sinh trắc học. Do đó, để tránh trường hợp bị lừa đảo, khách hàng nên đến trực tiếp các quầy giao dịch ngân hàng gần nhất để được hướng dẫn cụ thể.

Các ngân hàng khuyến cáo, khách hàng không truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại…

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Làm gì để không bị lừa chuyển tiền qua mạng
Đã có nhiều người ở các tỉnh, thành bị lừa chuyển tiền bằng nhiều hình thức khác nhau trên không gian mạng, người ít thì vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, nhiều thì vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng. Vậy, làm gì để không bị lừa chuyển tiền qua mạng?
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền: Thao tác khó khăn, lúng túng trong những ngày đầu