Hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. |
Xác định hướng đi riêng
Năm 2011, huyện Đức Linh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm linh hoạt và sáng tạo. Theo đó, đến cuối năm 2019, huyện Đức Linh đã có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giờ đây, diện mạo nông thôn Đức Linh ngày càng thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao.
Chúng tôi về xã Nam Chính – xã cuối cùng trong hành trình về đích nông thôn mới của huyện Đức Linh, mới thấy hết ý nghĩa, hiệu quả mà chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại cho người dân. Sau nhiều năm loay hoay tìm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế nhưng chưa được giải đáp, chương trình nông thôn mới đã mang lại một làn gió mới giúp địa phương tận dụng những lợi thế sẵn có để từng ngày “thay da đổi thịt”. Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn huyện, UBND xã Nam Chính đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện giai đoạn 2015 - 2020. Vì vậy đã có nhiều mô hình gắn liền với lợi thế của địa phương được nhân rộng và phát huy hiệu quả. Điển hình như mô hình liên kết giữa nhà nông và các hợp tác xã trong sản xuất cây lúa nếp. Theo đó, bình quân trên 1 ha lúa nếp năng suất đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha, giá thu mua 5.400 đồng/kg. Nông dân sản xuất 1 ha lúa nếp cao hơn lúa hạt tròn trên 5 triệu đồng. Lợi ích từ mô hình mang lại, nên nhiều hộ dân đã tham gia với diện tích hàng năm thực hiện trên 1.000 ha đã phần nào tạo được sự ổn định đầu ra của người dân.
“Nhờ mô hình liên kết sản xuất lúa nếp giữa nhà nông và HTX Công Thành trên địa bàn đã mang lại thu nhập cao cho gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Bình quân 1ha lúa nếp, tôi có lãi từ 12 – 15 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình tôi ổn định, không còn chật vật như trước”, anh Võ Văn Đăng, xã Nam Chính, huyện Đức Linh phấn khởi chia sẻ.
Không riêng gì Nam Chính, 10 xã còn lại của huyện Đức Linh cũng đã tìm được hướng đi tạo sức bật mạnh mẽ qua quá trình xây dựng nông thôn mới. Hiện thu nhập bình quân đầu người tăng qua từng năm, năm 2019 đạt bình quân 39,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,23% năm 2011 còn 1,95% năm 2019.
Ông Trần Quang Đại, xã Đức Tín, huyện Đức Linh cho biết: “Nhờ xây dựng NTM, chỉ trong mấy năm trở lại đây, diện mạo quê tôi có sự đổi thay ngoạn mục theo hướng tích cực, khang trang, sạch đẹp hơn. Tôi cho rằng kết quả đó có được là nhờ xây dựng NTM”.
Ông Nguyễn Văn Húy – Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho biết: “Một trong những điểm nhấn nổi bật mà Đức Linh đạt được sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới là huyện đã lấy phát triển sản xuất làm nhiệm vụ, thước đo và tạo đột phá trong thực hiện chương trình. Tuy nhiên để thực hiện tốt việc sản xuất, yếu tố hạ tầng, giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí huyện phải thực hiện đầu tiên”. Qua 10 năm huyện đã đầu tư làm mới và nâng cấp được 356 tuyến đường với tổng chiều dài là 381,228 km đường giao thông nông thôn với kinh phí 322,450 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận về làm đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân đầu tư, Nhà nước hỗ trợ” huyện Đức Linh đã thực hiện đầu tư nâng cấp bê tông xi măng được 236 tuyến đường trên toàn địa bàn các xã với 79,885 km, tổng kinh phí đầu tư: 99,684 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 64,328 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 35,356 tỷ đồng.
Quyết tâm cho mục tiêu
Cũng như nhiều huyện trong cả nước, để trở thành huyện nông thôn mới, huyện Đức Linh phải đạt được 9 tiêu chí: quy hoạch; giao thông; thủy lợi; điện; y tế - văn hóa - giáo dục; sản xuất; môi trường; an ninh, trật tự xã hội và tiêu chí chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo, đến thời điểm này huyện đã đạt 6/9 tiêu chí, trong đó 3 tiêu chí còn lại là quy hoạch, sản xuất và môi trường đang chờ cơ quan chức năng thẩm định. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Đức Linh, trong 3 tiêu chí còn lại, tiêu chí môi trường là tiêu chí khó đối với huyện.
Hiện tại huyện Đức Linh đã đầu tư một bãi rác thải tập trung với 13 ha, đến nay đã thực hiện giai đoạn 1 là 6,5 ha giao cho Ban quản lý công trình công cộng quản lý, sử dụng. Thời gian qua, huyện đã xử lý rác theo phương pháp truyền thống là san lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, để tiêu chí này đạt thì phải đầu tư trang thiết bị xử lý môi trường rất tốn kém, khoảng 5 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, huyện khó đạt được trong năm nay.
Cơ hội lớn đến với Đức Linh, khi UBND huyện đã kêu gọi nhà đầu tư hệ thống xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải rắn tại khu quy hoạch bãi rác tập trung huyện. Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại xây dựng xử lý môi trường Đồng Thuận Phát đã được UBND tỉnh chấp thuận cho đầu tư xây dựng khu liên hợp tái chế và xử lý rác sinh hoạt công nghiệp nguy hại ở xã Nam Chính.
“Hiện nay còn vướng tác động môi trường ở Bộ Tài nguyên & Môi trường, huyện đang đôn đốc các nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm gửi nội dung này ra để bộ phê duyệt đề án, cấp giấy phép khởi công” – Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Đức Linh chia sẻ thêm.
Rất nhiều khó khăn đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới, nhưng Đức Linh quyết tâm phấn đấu sẽ trở thành huyện NTM trong năm 2020. Hiện Đức Linh tiếp tục tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, Trung ương để đầu tư phát triển sản xuất, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của huyện.
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 2.869,548 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước 713,673 tỷ đồng, chiếm 24,87%, vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước 2.155,875 tỷ đồng, chiếm 75,13%. Để đạt chuẩn huyện NTM, huyện chú trọng huy động cả hệ thống chính trị của địa phương tham gia, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên có điểm xuất phát nhưng không có điểm kết thúc của các cấp ủy Đảng ở địa phương. |
Thanh Nhàn