Theo dõi trên

Xét xử vụ sai phạm của cán bộ thị trấn Chợ Lầu: Thay đổi tội danh các bị cáo

29/02/2016, 08:49

BT- Tòa án nhân dân tỉnh vừa đưa vụ án “tham ô tài sản” ra xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Huỳnh Thái Kháng (nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Lầu), Nguyễn Thị Ngọc Thúy (Trưởng Ban tài chính), Đàm Thị Thanh Trúc (kế toán) và Lê Thanh Liêm (cán bộ) của UBND thị trấn Chợ Lầu ra xét xử. 

Theo hồ sơ, từ tháng 3/2008 đến tháng 12/2013, số tiền xử phạt hành chính trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (TTATGT) do Chủ tịch, Trưởng công an thị trấn Chợ Lầu nộp vào ngân sách nhà nước tại Kho bạc huyện Bắc Bình gần 1,36 tỷ đồng. Theo quy định Thông tư 89 ngày 25/7/2007 của Bộ tài chính hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền xử phạt trong lĩnh vực TTATGT được quy định trích 70% cho lực lượng công an tham gia giữ gìn TTATGT. Đồng thời, theo Quyết định số 32/2008/QĐ-UBND ngày 28/3/2008 của UBND tỉnh thì tiền xử phạt sau khi nộp ngân sách sẽ điều tiết 100% về cho ngân sách xã phường, thị trấn, trong đó trích 70% cho lực lượng công an tham gia giữ gìn TTATGT, trong đó sẽ chi cho các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật và bồi dưỡng, mua sắm trang thiết bị. Trích 10% cho lực lượng khác trực tiếp tham gia vào công tác đảm bảo TTATGT; trích 20% để chi bổ sung kinh phí cho công tác đảm bảo TTATGT và đầu tư cơ sở vật chất…Tuy nhiên Huỳnh Thái Kháng là người có trách nhiệm quản lý ngân sách của UBND thị trấn đã không làm đúng quy định mà khi tiền được điều tiết về 100%, bị cáo Kháng chỉ đạo bộ phận tài chính để lại 20%, tương đương với số tiền 271.968.000 đồng và chỉ giao cho lực lượng công an nhận 50%, tương tương 679.943.500 đồng. Riêng 30% còn lại giữ chi cho công tác an ninh chính trị của địa phương, trong đó có công tác về TTGT.

Trong vụ án này, Kháng với vai trò chỉ đạo cho bộ phận tài chính lập 65 phiếu chi để lấy số tiền 271.968.000 đồng (20%). Trong đó Kháng chỉ đạo cho Thúy, Thúy thực hiện chỉ đạo cho Lê Thanh Liêm là cán bộ hợp đồng trực tiếp làm thủ tục viết giấy đề nghị thanh toán và kế toán Trúc lập phiếu chi. Ngoài những bị cáo trực tiếp chỉ đạo và thực hiện nhận số tiền được chia, thì một số cán bộ lãnh đạo khác cũng được chia và dùng tiền để tổ chức liên hoan. Theo quyết định truy tố, hành vi trên của các bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu của thị trấn, ảnh hưởng đến hoạt động của Công an thị trấn Chợ Lầu…Sau khi vụ việc được phát hiện, các bị cáo đã khắc phục lại phần lớn hậu quả gây ra.

Tại phiên tòa, luật sư Đỗ Minh Trúc – Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận bào chữa cho rằng, hành vi của các bị cáo là vi phạm pháp luật nhưng không cấu thành tội “tham ô tài sản”, bởi tội tham ô tài sản quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, tức người phạm tội phải có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý.

Số tiền 271.968.000 đồng không phải các bị cáo chia nhau toàn bộ mà trong đó có nhiều khoản để tổ chức liên hoan trong cơ quan và có chia cho nhiều người khác, đây là chi sai nguyên tắc chứ không phải tham ô. Số tiền 271.968.000 đồng (tương đương 20%) là số tiền trích xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực trật tự an toàn giao thông do Chủ tịch, Trưởng Công an thị trấn trực tiếp xử phạt. Số tiền 20% trích lại cho Ban chỉ đạo sau khi đã làm các thủ tục chi và được sự đồng ý để lại cho Ban chỉ đạo của Công an thị trấn. Cụ thể hơn nữa là từ 2011, Công an thị trấn làm phiếu đề nghị thanh toán 70% theo đúng QĐ 32 của UBND tỉnh, sau đó thì mới trích lại 20% cho Ban chỉ đạo thu. Như vậy, số tiền này các bị cáo nếu có chiếm đoạt là chiếm đoạt của Công an thị trấn và đã được sự đồng ý củacông an thị trấn, chứ các bị cáo không phải chiếm đoạt số tiền mà các bị cáo có trách nhiệm quản lý. Hành vi của các bị cáo nếu có trích lại số tiền 20% cho Ban chỉ đạo là hành vi cố ý làm trái, không thực hiện theo đúng quy định củanhà nước chứ không phải là hành vi tham ô, chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, dó đó không thỏa mãn các dấu hiệu của tội tham ô. Từ những cơ sở trên, luật sư cho rằng chưa đủ cơ sở để kết luận các bị cáo phạm tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 BLHS. 

Về phía Hội đồng xét xử, sau khi xem xét các chứng cứ có tại hồ sơ và thẩm tra tại tòa cùng với quan điểm bào chữa của luật sư, sau giờ nghị án tòa đã đồng quan điểm với ý kiến của luật sư đã tuyên các bị cáo không phạm tội “tham ô tài sản” mà hành vi của các bị cáo là lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước nên phạm vào tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 Bộ luật hình sự và đã tuyên phạt các bị cáo Huỳnh Thái Kháng (36 tháng tù), Nguyễn Thị Ngọc Thúy (18 tháng tù), Đàm Thị Thanh Trúc và Lê Thanh Liêm (cùng 12 tháng tù).

Phúc Sinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xét xử vụ sai phạm của cán bộ thị trấn Chợ Lầu: Thay đổi tội danh các bị cáo