Theo dõi trên

Xin lỗi dân

15/09/2023, 06:08

Từ thời Lê Lợi - Nguyễn Trãi mấy trăm năm trước đã nói nhiều về TRỌNG DÂN, nước có mạnh thì cần lấy dân làm gốc; rằng chèo thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân. Bác Hồ nói: “Được lòng dân thì việc gì cũng làm được; trái ý dân thì chạy ngược chạy xuôi”.

Làm theo tư tưởng của Người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn cán bộ: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu cái gì làm trái lòng dân, để mất lòng tin là mất tất cả”. Bởi “Sức dân như nước, chở thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân”, cần tin dân, yêu dân, xin lỗi dân thực chất, không hoa hòe hoa sói, chớ có trang sức, không trang điểm cho đẹp mặt cán bộ. Bác Hồ dạy, cần biết xin lỗi dân cho trúng và quan trọng hơn là phải biết sửa lỗi.

screenshot_1694732838.png
Các khách mời trong chương trình Sự kiện và Bình luận sẽ cùng đưa ra quan điểm để làm rõ hơn về chủ đề 'xin lỗi dân' trên VTV1.

Nhắc lại những điểm cốt lõi trên về sự TRỌNG DÂN vào lúc này là không thừa. Trên trang cá nhân, nhà báo - nhà thơ Trần Gia Thái, cựu Tổng giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội đã luận bàn về chuyên mục “Xin lỗi dân” của đài truyền hình quốc gia. Cựu Tổng giám đốc nhà đài phân trần, sẻ chia với chuyên mục “Xin lỗi dân” đại ý rằng: Xin lỗi dân chính là biết trọng dân, nhưng cần thực chất, cán bộ biết xin lỗi thì phải biết sửa lỗi. Trước đây, thời kỳ cải cách ruộng đất và sau đó là sửa sai, Bác Hồ công khai xin lỗi dân, lời xin lỗi gan ruột, thực tâm, sâu sắc và Bác yêu cầu sửa sai cho kịp thời, cho trúng thì dân thương.

Ngày nay, cán bộ có nhiều lỗi nên rất cần xin lỗi dân. Việc xin lỗi ấy thật đáng hoan nghênh. Nhà báo, nhà thơ Trần Gia Thái đặt thêm một gợi mở: Có lẽ để cho cân đối, nhà đài cũng nên mở thêm mục xin lỗi Đảng, để những cán bộ đảng viên nào đó hư hỏng, biến chất, vi phạm kỷ luật Đảng, làm trái lời Bác Hồ dạy có chỗ mà bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi, liệu có nên chăng?

PGS.TS Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng được Tạp chí Công an nhân dân đặt viết bài, vừa có tính lý luận vừa thấm đậm tính thực tiễn sâu sắc về “Thế trận lòng dân”; rằng niềm tin (và cả giảm lòng tin) của dân, do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên – cả cán bộ đảng viên cấp cao - suy thoái đạo đức lối sống, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật. Để có “Thế trận lòng dân”, trước hết và trên hết là phải làm dân yêu, dân mến, dân tin - tin cán bộ của dân - bằng hành động chứ không phải bằng lời nói suông.

Xin nêu một ví dụ trong nhiều ví dụ: Một lãnh đạo tỉnh nọ vào thời ông ấy làm chủ tịch một ngân hàng thương mại lớn đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực; vi phạm mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân. Ông ấy có rất nhiều tiền, xin hỏi nguồn tiền khủng ấy lấy đâu ra? Hỏi ông ấy thì ông ấy tịt ngòi, lóng nga lóng ngóng hơn cả gà mắc tóc. Lấp ló phía chân trời, đó là những đồng tiền không sạch mà ông ta tích tụ - kiểu tích tụ tư bản sơ khai mà sinh thời nhà kinh điển Karl Marx đã nói đến. Cán bộ mà như vậy dân làm sao tin được. Chỉ xin lỗi dân là chưa đủ, mà kỷ luật thật nặng cũng chưa thỏa lòng dân; hơn thế luật pháp cần có chế tài tước nguồn tiền bất minh trả lại cho dân? Và bài học quản lý cán bộ, cơ chế quản lý dòng tiền tại các ngân hàng thương mại phải như thế nào đây, để không còn lỗ hổng mà con voi có thể chui qua cái lỗ kim?

Nhiều nơi, quá trình đô thị hóa diễn ra chóng mặt đã để xảy ra tình trạng cán bộ cạp đất, tham lam ăn chặn của dân từ đất đai; đất dự án, đất nông nghiệp biến thành đất ở, đất xây dựng khu thương mại, sân golf, khu tái định cư… Sai rành rành nhưng chỉ dừng lại ở lời xin lỗi dân thì chưa đủ. Quan trọng hơn cả là chế tài quản lý được luật hóa, chế tài đủ chặt để ngăn chặn mọi kẽ hở có thể xảy ra.

Trở lại câu chuyện “Xin lỗi dân” mà nhà báo, nhà thơ Trần Gia Thái lạm bàn, đã đến lúc lời xin lỗi dân không nên làm hình thức, làm cho có, cho có vẻ trọng dân, mà cần đi vào thực chất, xử lý nghiêm và hiệu quả, có sức nặng răn đe cần thiết, có cơ chế quản lý con người, quản lý... lòng tham những cán bộ hư hỏng nào đó, sao cho đặng?

ÚT MŨI NÉ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Báu vật của văn hóa Chăm - tượng Phật Avalokitesvara
Trong hàng trăm di vật, cổ vật phát hiện ở Bình Thuận của các vương triều khác nhau trong lịch sử vương quốc Chămpa đã làm nên những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc riêng có thì tượng Phật Avalokitesvara phát hiện ở xã Hòa Thắng 22 năm trước được giới nghiên cứu coi như báu vật của văn hóa Chăm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xin lỗi dân