Niềm vui trên con đường mới
Trong không khí tết đến xuân về, diện mạo xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc) như “thay da đổi thịt” bởi những con đường bê tông như những dải lụa trắng uốn lượn từ thôn xóm đến tận ruộng lúa, vườn thanh long xanh mướt, xóa đi cảnh lầy lội ngày nào. Trên con đường bê tông mới làm xong đưa vào sử dụng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Nguyễn Văn Chung thông tin thêm: “Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Thuận Hòa đã hoàn thành được 10 tuyến đường bê tông với tổng chiều dài 10 km do Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Niềm vui trên những con đường giao thông nông thôn ở xã Thuận Hòa.
Điểm đặc biệt là ở Thuận Hòa người dân tự tổ chức thi công vừa giảm được mức đóng góp của người dân vừa thể hiện tính cộng đồng cao, gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Đường sạch tinh tươm, rộng rãi những chiếc xe chở nông sản chạy bon bon trên đường. Chiều về trẻ con chạy nhảy, vui đùa không còn lo lấm lem áo quần vì bụi bẩn. Ở miền quê này, dường như mùa xuân đã về trên những con đường mới và là động lực để xã phấn đấu trên chặng đường xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Không riêng gì ở xã Thuận Hòa, những con đường giao thông nông thôn đã đem lại những cơ hội đổi thay tích cực, tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội cho người dân khắp các địa phương trong tỉnh. Đường nhựa, bê tông mở đến đâu, bộ mặt nông thôn miền núi đổi thay đến đó. Mạng lưới giao thông nông thôn được đầu tư phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, làm giảm tỷ lệ thất học của trẻ em tại các thôn vùng sâu vùng xa. Tết đến xuân về, niềm vui như nhân đôi khi nay đã có thêm nhiều tuyến đường bê tông liên thôn, liên xóm hoàn thành. Bà con chòm xóm đến thăm hỏi, chúc tết nhau thuận tiện vì thế cũng thêm phấn khởi…
Phát huy quy chế dân chủ
Phong trào phát triển giao thông nông thôn đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, việc tổ chức thi công các tuyến đường đều do nhân dân họp bàn, quyết định. Khi có được sự hỗ trợ của Nhà nước về vật liệu xây dựng, người dân trong các xã, thôn hồ hởi tham gia ngày công, đóng góp tiền để thuê các phương tiện hỗ trợ, trực tiếp tham gia vào việc làm đường. Ở nhiều nơi, người dân tự kẻ vẽ, nắn tuyến, đường đi đến đâu người dân hiến đất, xê dịch tường rào đến đó, sao cho tuyến đường được thẳng và đẹp nhất. Tuy nhiên, hình thức thi công này vẫn còn chiếm số ít. Ở các địa phương chủ yếu vẫn là thuê doanh nghiệp thi công giao trọn gói cho doanh nghiệp thực hiện từ kỹ thuật, trình tự thi công. Với hình thức này người dân được tham gia kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Từ những cách làm trên phong trào làm đường giao thông nông thôn thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân, cũng từ đây tình nghĩa xóm làng thêm đậm đà, gần gũi.
Để có thêm nhiều con đường mới
Nhờ kết quả tích cực của phong trào làm đường giao thông nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã có 84/96 xã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 56/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Phú Quý đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Mặc dù còn đó những khó khăn, đặc biệt là nguồn ngân sách tỉnh còn hạn chế chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của các địa phương. Đây cũng là một trong số nguyên nhân ảnh hưởng khối lượng thực hiện các tuyến đường vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng các tuyến đường bê tông xi măng giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh là 753 km/867 km, đạt 87% khối lượng kế hoạch đề ra. Giai đoạn 2016 - 2020 thì tính đến tháng 6/2019 đạt 225 km/860,2 km đường bê tông xi măng chỉ đạt 26% khối lượng. Khối lượng thực hiện còn lại theo đề án đến năm 2020 là khá lớn với hơn 635 km đường bê tông xi măng, rất cần những giải pháp tập trung của tỉnh, sự linh hoạt sáng tạo của địa phương và sự đồng tình hưởng ứng của người dân để có thêm những con đường hình thành, thay đổi diện mạo vùng nông thôn tỉnh nhà.
Thanh Duyên