Theo dõi trên

Xúc tiến phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn

15/08/2024, 04:54

Phân loại rác thải sinh hoạt là việc làm cần thiết giúp bảo vệ môi trường sống của chúng ta ngày càng tốt hơn, sạch đẹp hơn. Nếu phân loại đúng sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường các khu dân cư thông thoáng.

3 loại rác thải sinh hoạt

Rác thải sinh hoạt hiện nay được chia thành 3 loại chính. Rác hữu cơ là những phần thực phẩm thừa, cá thịt, các loại rau củ trong bữa ăn hàng ngày. Rác vô cơ là những loại rác không thể sử dụng, cũng không thể tái chế được gồm các loại vỏ sò, vỏ trứng, vỏ ốc, đồ cao su, ly, chén, cốc, bình thủy tinh bị vỡ, gỗ đá, gạch. Rác tái chế gần giống với rác vô cơ như chai, ly, ống hút nhựa, thùng giấy qua sử dụng, sách báo cũ… có thể tái chế dễ dàng.

img_4881.jpg
TS. Chu Mạnh Trinh (hàng đầu, bên phải ảnh) hướng dẫn các chuyên viên trong tỉnh phân loại rác ngay tại bãi rác Bình Tú.

“Hiện nay, thói quen nhiều người dân thường cho tất cả rác thải phát sinh trong ngày vào 1 túi rác. Trong túi rác gồm thực phẩm thừa, lon nước, vỏ đồ hộp, chai lọ… Tất cả vào túi như vậy không thông qua biện pháp phân loại nào cũng là lãng phí. Trong khi lượng rác, chất thải có thể đưa vào tái chế tương đối lớn. Vì vậy, quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý phải được đầu tư, thực hiện bài bản. Trong đó mấu chốt vẫn là khâu phân loại rác thải tại nguồn. Nếu giải quyết tốt việc phân loại rác thì quá trình thu gom cũng như xử lý sẽ được thực hiện triệt để”, TS. Chu Mạnh Trinh, chuyên gia bảo tồn, gắn bó lâu năm công tác quản lý chất thải rắn lưu ý với học viên tham dự đợt tập huấn phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn tỉnh, vào đầu tháng 8 vừa qua do Sở TN & MT tổ chức.

TS. Chu Mạnh Trinh hướng dẫn cách sơ chế, làm sạch cơ bản các loại rác trước khi phân loại. Ví dụ như giấy thải, nhựa thải, kim loại thải thì loại sản phẩm chứa đựng bên trong, sau đó thu gọn, ép dẹt, giảm kích thước, thể tích. Áo quần cũ, đồ da, đồ gỗ có thể tái sử dụng các đồ còn sạch, nguyên vẹn hoặc thu gọn. Các thiết bị điện, điện tử thì giữ nguyên hình dạng, không tháo rời. Với nhóm chất thải thực phẩm cần bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi ni lon, bao bì kín, không rò rỉ, ngăn ngừa mùi phát tán. Chất thải nguy hại cần bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì để an toàn, tránh phát tán ra ngoài môi trường. Chất thải cồng kềnh cần thu gọn, giảm thể tích, nếu tháo dỡ thì các bộ phận sau tháo dỡ được phân loại vào các nhóm chất thải tương ứng. Đặc biệt pin cũ, mọi người không nên cho vào sọt rác ngay lập tức vì mỗi viên pin có chứa 1 lượng thủy ngân đủ làm ô nhiễm 500 lít nước, hãy tách chúng ra riêng rồi gửi về những nơi chuyên thu gom, xử lý. Bên cạnh việc xử lý rác thải, mỗi người nên giảm thiểu mức tiêu thụ của bản thân nhằm bớt lượng rác thải.

img_4871.jpg
Phân loại rác thải sinh hoạt tại một cơ sở thu mua phế liệu xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết.

Việc phân loại rác nhằm mục đích dễ dàng vận chuyển, tái chế, giảm lượng rác thải ra môi trường, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường, tăng lượng rác thải có thể tái chế. Ngoài ra, khi phân loại rác thải, có biện pháp xử lý toàn diện sẽ giúp giảm thiểu các tác nhân gây bệnh, yếu tố độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe, cuộc sống mọi người.

Trong khuôn khổ hai ngày tập huấn, gần 400 học viên là cán bộ, chuyên viên sở ngành, huyện, thị, thành phố, xã, phường phụ trách tài nguyên, môi trường, các đơn vị thu gom rác thải được hướng dẫn các vấn đề liên quan đến rác thải khu dân cư, điểm du lịch; đi thực tế bãi rác Bình Tú, xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết, thu mẫu tại bãi rác, thực hành phân loại rác, tìm hiểu điểm mua bán phế liệu rác thải rắn tại xã Tiến Thành để thấy được giá trị của “rác sạch” sau khi phân loại. Các loại giấy, sách báo cũ, thùng các tông, vỏ chai nhựa, lon bia đều được cơ sở thu mua.

img_4892.jpg
 Phân loại rác thải sinh hoạt tại một cơ sở thu phu phế liệu xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết

Phân loại tại nguồn

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN & MT) cho biết: “UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 890, ngày 16/4/2024, ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đề ra mục tiêu trong năm 2024, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành kế hoạch, mô hình phân loại thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp thực tế từng địa phương. Các địa phương thiết kế các bộ tài liệu tuyên truyền phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn (sổ tay, clip, hướng dẫn kỹ thuật), thành lập đội ngũ tuyên truyền cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền đến hộ gia đình trong cộng đồng dân cư. Đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng báo, đài tỉnh, đài phát thanh các huyện, loa truyền thanh xã, phường để nhiều người nắm bắt”. Quyết định số 890 của UBND tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 là 100% tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn tại các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 70%, ở xã tỷ lệ 30%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo đúng quy định đạt 90%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo đúng quy định đạt 80%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế trên 70%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom vận chuyển, xử lý đạt 98%. Đối với các huyện/xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu: các chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý; chất thải rắn sinh hoạt phân loại tại nguồn được thực hiện theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 theo Quyết định số 318 của Thủ tướng Chính phủ và Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 do UBND tỉnh ban hành.

“Đợt tập huấn trên cho nhiều đối tượng tham gia nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở ngành, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan trong việc tuyên truyền, vận động người dân phân loại, thu gom, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm thực hiện lộ trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh từ 1/1/2025, quy định tại khoản 1, điều 75, Luật Bảo vệ môi trường”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ.

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giải quyết các vướng mắc, tồn tại khu vực Cảng cá La Gi
Những năm gần đây, công tác duy tu, bão dưỡng, sửa chữa khắc phục tình trạng xuống cấp hạ tầng các cảng cá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn, một số cảng cá trong tỉnh đã xuống cấp trầm trọng, vệ sinh môi trường không bảo đảm, nhất là cảng cá La Gi. Đây cũng là một trong những tiêu chí mà Đoàn Thanh tra EC sẽ kiểm tra để gỡ “thẻ vàng” IUU.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xúc tiến phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn