Viện Kiểm sát TP. Phan Thiết công khai xin lỗi bà Tú Anh vì truy tố, bắt giam oan. |
Bà Tú Anh làm nghề buôn bán gạo và kinh doanh chế biến cá cơm, cơ sở chế biến cá cơm bà thuê tại xã Tân Bình, thị xã La Gi. Tuy nhiên, trong thời gian bị truy tố, bắt giam oan 476 ngày và 606 ngày cho tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú, cuộc sống của bà gần như bị đảo lộn hoàn toàn. Không những ảnh hưởng đến sức khỏe, mà thiệt hại về kinh tế cũng hết sức nặng nề. Bà Anh chia sẻ: “Công việc làm ăn của tôi đang tiến triển thuận lợi, các đối tác làm ăn đang ngày càng mở rộng, bỗng phải ngưng hoạt động do tôi bị bắt giam. Không ai quản lý nên tại cơ sở chế biến cá tài sản gần như bị hư hỏng toàn bộ, trong khi đó tiền thuê mặt bằng đã có hợp đồng nên vẫn phải trả tiền hàng tháng, tiền thuế môn bài vẫn phải đóng đầy đủ cho Nhà nước… Không những thế, mang tiếng là kẻ phạm tội lừa đảo, bạn hàng không còn ai tin tưởng nên sau khi được tại ngoại, tôi không thể làm ăn buôn bán được với ai nữa”.
Bà Anh đã yêu cầu VKS TP. Phan Thiết bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thỏa thuận bồi thường, VKS TP. Phan Thiết tiến hành thu thập chứng cứ, xác minh công việc làm ăn, thu nhập của bà Anh và chỉ chấp nhận bồi thường số tiền hơn 367 triệu đồng.
Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Anh, yêu cầu VKS TP. Phan Thiết bồi thường 1 tỷ 55 triệu đồng do truy tố, bắt giam oan sai. Sau đó cả bà Anh và VKS TP. Phan Thiết đều kháng cáo, yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án dân sự sơ thẩm. Theo đó, bà Anh yêu cầu tăng tiền bồi thường đối với tiền tổn thất thu nhập của 2 cơ sở kinh doanh; chấp nhận yêu cầu đối với tiền lãi vay ngân hàng trong thời gian bà bị cấm đi khỏi nơi cư trú, đồng thời buộc bị đơn bồi thường các tài sản bị hư hỏng do bắt tạm giam bà không đúng quy định. VKS TP. Phan Thiết yêu cầu sửa bản án theo hướng không chấp nhận một số khoản tiền bồi thường thiệt hại như tiền thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiền thuê người trông coi nơi sản xuất, tiền lãi kinh doanh cá cơm, tiền lãi mua bán gạo, tiền thăm nuôi…
Tuy nhiên tòa phúc thẩm nhận định, các yêu cầu kháng cáo đều không có căn cứ để tòa chấp nhận. Điển hình như đối với lời khai của bà Anh, cùng các nhân chứng về mức thu nhập từ việc kinh doanh cá cơm, đều không kê khai mức thu nhập, không nộp thuế thu nhập. Mặt khác, tòa án cấp sơ thẩm sau khi xem xét đã chấp nhận bồi thường tiền lãi từ việc kinh doanh cá cơm với số tiền 150 triệu đồng/năm và 6 triệu đồng/tháng tiền lãi từ việc kinh doanh gạo. Đối với khoản lãi vay ngân hàng phải trả trong thời gian bà Anh bị cấm đi khỏi nơi cư trú, Hội đồng xét xử cho rằng theo quy định của pháp luật, việc bà Anh được tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú thì bà vẫn có thể kinh doanh và trong trường hợp bà cần thiết phải đi nơi khác để kinh doanh, thì bà có thể xin phép chính quyền địa phương nơi bà cư trú và Cơ quan CSĐT. Nhưng bà không xuất trình được chứng cứ chứng minh rằng bà đã xin phép nhưng không được đồng ý. Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy, trong quá trình điều tra, truy tố, các tài sản của bà không bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, các tài sản bị hư hỏng không do lỗi của Cơ quan CSĐT và VKS TP. Phan Thiết.
Sau phiên xử, bà Anh cho biết sẽ tiếp tục làm đơn đề nghị xem xét giải quyết lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm, với mong muốn đền bù thỏa đáng những thiệt hại trong suốt gần 3 năm bị hàm oan.
Như Báo Bình Thuận đã thông tin, năm 2008, bà Bùi Thị Hồng (49 tuổi, ngụ tại phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) nhờ bà Anh viết giúp giấy vay mượn tiền cho bà Bùi Thị Thu để trả tiền gạo. Do đang sống chung, nể nang, nên bà Anh vô tư nhận lời. Theo lời giới thiệu của bà Hồng, bà Anh gặp ông Nguyễn Văn Hùng (66 tuổi) (một cán bộ ngân hàng tại Phan Thiết) và viết giấy vay mượn tiền ông Hùng với nội dung: “Tôi tên Bùi Thị Thu, hiện ở 50C Hùng Vương, có mượn của anh Hùng số tiền 400 triệu đồng” và ký tên Bùi Thị Thu. Ông Hùng đồng ý cho vay với lãi suất 5%/tháng theo thỏa thuận. Đến hạn nhưng không đòi được tiền lãi, lẫn gốc nên ông Hùng làm đơn tố cáo bà Anh lừa đảo. Tại cơ quan điều tra, bà Anh khẳng định mình không liên quan đến số tiền trên, mà chỉ đóng vai trò là người viết giúp giấy vay tiền. Tuy nhiên, bà Hồng lại phủ nhận toàn bộ lời khai này. Cáo trạng của VKS TP. Phan Thiết đã truy tố bà Anh tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó do bà Hồng thay đổi lời khai, thừa nhận đã nhờ bà Anh viết giùm giấy vay tiền của ông Hùng, nên tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 28/10/2016, Cơ quan CSĐT (Công an TP. Phan Thiết) ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án và hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Anh, do đã hết thời hạn điều tra mà chưa đủ căn cứ để chứng minh bà phạm tội. Mới đây, tại UBND xã Hàm Thắng, VKSND TP. Phan Thiết và Cơ quan CSĐT (Công an TP. Phan Thiết) đã tổ chức xin lỗi và cải chính công khai đối với bà Anh, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. |
Khánh Chi