Theo dõi trên

Ý nghĩa những “Tiết học biên cương”

03/10/2024, 05:08

Để góp phần nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên, học sinh về tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy ý chí, niềm tự hào và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo thời gian qua luôn được các cấp bộ Đoàn, ngành giáo dục trong tỉnh chú trọng triển khai đồng bộ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc nói chung và chủ quyền biển, đảo nói riêng là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ. Do đó, việc giáo dục học sinh các kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là việc làm có ý nghĩa thiết thực và cần được phát huy, nhân rộng. Xác định việc tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tình yêu biển đảo, vì an ninh an toàn biển đảo là nhiệm vụ rất quan trọng, thời gian qua, bên cạnh vận dụng sáng tạo, lồng ghép các nội dung giáo dục về biển, đảo, chủ quyền biên giới vào các môn học có khả năng tích hợp hoặc giảng dạy ở phần giáo dục địa phương… thì các cấp bộ Đoàn, các trường học trong tỉnh còn tổ chức chuyên đề biển, đảo trong các hoạt động ngoại khóa, hội thi. Điển hình như mới đây vào các ngày 23, 27 và 29/9, Chi đoàn Đồn Biên phòng Thanh Hải đã phối hợp Thành đoàn Phan Thiết, Trường tiểu học Thanh Hải, Trường THCS Nguyễn Du và Trường THPT Phan Chu Trinh (TP. Phan Thiết) tổ chức thực hiện các “Tiết học biên cương” kết hợp tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cho các em học sinh.

tiet-hoc-bien-cuong-2.jpg
“Tiết học Biên cương” kết hợp tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cho các em học sinh Trường THCS Nguyễn Du.

Tại chương trình, các em học sinh đã được nghe Thượng úy Tạ Hữu Nghĩa - Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Thanh Hải cung cấp thông tin cơ bản về biên giới biển, đảo; quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển trong việc đưa ra các quyết định, quy phạm và giám sát việc thực hiện chúng, như: Cấp phép, giải quyết và xử lý đối với một số loại hình hoạt động, các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; tầm quan trọng của biển, đảo đối với quốc gia; tình hình phức tạp tại biển Đông hiện nay; quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề trên biển Đông, những kết quả trong hoạt động bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển… Cũng như nhiệm vụ của đoàn viên thanh niên trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

tiet-hoc-bien-cuong-1.jpg
Các em học sinh Trường TH Thanh Hải háo hức khi được tham gia buổi tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm góp phần khơi dậy, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức, hiểu biết về chủ quyền và tình hình biển, đảo Việt Nam. Đồng thời, giúp các em hiểu được sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và ý thức, trách nhiệm thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

tiet-hoc-bien-cuong-3.jpg
Học sinh, đoàn viên, thanh niên Trường THPT Phan Chu Trinh tham gia trao đổi tại “Tiết học biên cương”.

Để giúp các em thêm yêu và nâng cao trách nhiệm của tuổi trẻ trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn, ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về các chủ đề biển, đảo sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Từ đó góp phần giáo dục sâu sắc về ý thức, trách nhiệm, tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên thanh niên trong tham gia bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Xây dựng một thế hệ thanh niên luôn giàu lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Đồng thời, cổ vũ, động viên thế hệ trẻ tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; nâng cao ý thức trách nhiệm trong khai thác và sử dụng tài nguyên biển một cách hiệu quả, bền vững.

Không chỉ có ý nghĩa về các mặt như kinh tế, chính trị… biển đảo còn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với những nỗ lực mang tính thiết thực và giàu ý nghĩa trong các hoạt động giáo dục thời gian qua không những giúp bồi đắp tinh thần yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn nâng cao vị trí, tầm quan trọng và ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho thế hệ trẻ.

NGỌC HÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Lễ hội Katê lần đầu phục dựng ở tháp Pô Sah Inư
Lễ hội Katê lần đầu phục dựng ở tháp Pô Sah Inư là vào năm 2005. Thời gian trước đó, đồng bào Chăm từ các nơi như Ma Lâm, Hàm Trí, Hàm Phú, một số hộ ở thôn Chăm Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, có cả những tộc họ ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cũng thường xuyên đến đây để thực hiện các loại lễ nghi. Có khi họ dựng trại ở qua đêm, chiều hôm sau mới về.
Nổi bật
Phan Thiết: Khó khăn trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
Thời gian qua, TP. Phan Thiết đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo lộ trình, thành phố đặt mục tiêu đưa xã Thiện Nghiệp đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024 và xã Phong Nẫm vào năm 2025, qua đó hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM toàn thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tại xã Thiện Nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, khiến tiến độ "về đích" chưa đạt kỳ vọng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ý nghĩa những “Tiết học biên cương”