“… Giờ này
Thân xác tôi mỏi mệt
Vía ơi
Ơi vía
Về đi
Về đi mà
Về mau mà yêu nhau kẻo vía già.”
Với những khúc đoạn chạm thấu cõi yêu như trong bài Gọi Vía, nhà thơ không chỉ réo gọi chính mình, tìm lại chính mình mà ông còn bốc trần hết những phù vân, lá nhớp, hư huyễn bám quanh hai tiếng tình yêu. Yêu và được yêu, càng cho càng đầy mãi. Yêu và được yêu, dễ làm con người vĩ đại. Yêu và được yêu, bập bùng những đóm lửa ấm sáng trong cõi nhân gian lạnh lùng… Dẫu vậy, tình yêu thật, tình yêu sâu lại trở về với những gì mộc mạc, chân chất. Mộc mạc, chân chất nhưng thấm đẫm, da diết:
Em là củi
Đun đời anh chín thơm
Em là nước
Tắm đời anh sạch thơm
Em là cơm
Suốt đời ăn
“
Vẫn… đói.”
(Cơm)
Hay:
“Đừng vội tan em ơi
Cuộc đời còn vài nắm tay
Tình này không dám mở”
(Giọt đàn)
Nội lực thơ Y Phương còn thể hiện ở hình tượng. Vừa gợi mở vừa tạo ý thức giới hạn, hình tượng sinh động, gần gũi, tạo ra con đường đến với trái tim ngắn nhất. Những hình tượng ăm ắp trong thơ Y Phương đều máu thịt, đều dân dã, đều như sờ nắm nhìn ngó được nhưng khi thành thơ thì nó cất lên tiếng nói: Lòng nhân ái chính là cốt lõi, là bản chất chủ yếu của văn học.
Không chỉ tình, Vũ Khúc Tày còn phảng phất chất triết học:
“Tôi lang thang trong tôi
Nửa thế kỷ rồi
Bỗng một chiềumưa gió cuộc đời
Tôi bỗng trởthành người khác.”
(Tìm tôi)
Hay:
“Tôi đang nhỏ hơn một hạt bụi
Tôi sắp nhỏ hơn nửa hạt bụi
Nhỏ hơn
Nhỏ hơn nữa
Tôi tan loãng trong bầu không khí
(…)
Tôi chiết mình vào em
Bỗng thấy
Chất Tày trong tôi đầy lên”
(Chiết)
Chính những suy tư sâu lắng chất triết học này đã đưa một kẻ yêu cuồng si cuộc đời như nhà thơ Y Phương trở thành người “cô đơn chót vót”. Quả đúng như vậy, không rơi vào chót vót cô đơn ấy thì không thể có những dòng thơ bậc máu lặng thinh trong tập thơ Vũ Khúc Tày.NguyỄn HiỆp