Việc kiểm soát nguồn gốc thủy sản cập cảng còn nhiều khó khăn. Ảnh: N.Lân |
Không ghi nhật ký, không báo cáo khai thác sẽ bị phạt
Trước áp lực “thẻ vàng” của EC, từ đầu năm 2018, Sở NN&PTNT giao trực tiếp nhiệm vụ cho Ban quản lý cảng cá tiếp nhận sổ nhật ký khai thác thủy sản (KTTS) của ngư dân. Đồng thời, đưa vào hoạt động Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Phan Thiết vào đầu năm 2019, để kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thủy sản cập cảng.
Theo đó, tất cả các tàu cập cảng, vận chuyển cá ở Cảng cá Phan Thiết và Cảng Phú Hài đều được Văn phòng kiểm soát nghề cá kiểm tra, kiểm soát theo đúng quy định. Riêng các tàu khi vào bến mà chủ tàu không chứng minh được nguồn gốc thủy sản khai thác, sẽ tiến hành lập biên bản. Trường hợp không ghi nhật ký thủy sản, không báo cáo khai thác, chủ tàu sẽ bị lập biên bản xử phạt theo Nghị định 103 trong lĩnh vực thủy sản.
Tuy nhiên, bất cập hiện nay là một số tàu không cập 3 cảng theo quy định để truy xuất nguồn gốc mà cập những nơi khác để bán cá hoặc thực hiện bán cá trên biển và tiếp tục hành trình đánh bắt, nên không thể kiểm soát được. Theo Chi cục Thủy sản, việc thành lập Văn phòng kiểm soát nghề cá tại cảng nhằm kiểm soát tình trạng đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không có nguồn gốc rõ ràng. Đơn vị này cho biết, ở châu Âu, họ quy định rất chặt chẽ, trước khi rời cảng đi đánh bắt mà không qua sự kiểm tra, kiểm soát, khi về không báo cáo, sản phẩm sẽ không bán được. Còn ở mình, dù sản phẩm không có nguồn gốc đánh bắt, hoặc đánh bắt bất hợp pháp về vẫn bán được bình thường, nên các chủ tàu chưa có trách nhiệm.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân
Hiện nay, việc cấp giấy xác nhận và chứng nhận nguồn gốc thủy sản còn mang tính đối phó, vì không giám sát được hoạt động của tàu cá trên biển; chưa kiểm soát được tàu cá xuất bến, cập bến, lên cá, việc lưu trữ hồ sơ chưa đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc, hồ sơ lưu trữ sai lệch với các hồ sơ khác... Điều này không chỉ gây ách tắc trong quy trình xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác, mà còn ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nhóm khuyến nghị chung của EC.
Anh Nguyễn Thu Thanh – Trưởng phòng Khai thác – Điều hành Cảng cá Phan Thiết cho biết: Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân ghi chép thông tin đầy đủ, đúng yêu cầu trước khi xuất bến và khi đánh bắt trở về. Để quản lý tốt hơn hoạt động khai thác trên biển, tránh các trường hợp đánh bắt bất hợp pháp, sắp tới 100% tàu cá có tổng chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, tiến hành nâng cấp trạm bờ tại các chi cục thủy sản và thiết bị đầu cuối lắp đặt trên tàu cá, để đồng bộ và tương thích với trạm bờ, đáp ứng yêu cầu cập nhật vị trí tự động từ tàu cá về trạm bờ, với tần suất 2 giờ/lần.
Nhằm cụ thể hóa quy định trên, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo Sở NN&PTNT yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng bật thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ khi đi khai thác hải sản trên các vùng biển. Trường hợp chủ tàu, thuyền trưởng cố tình vi phạm, không bật thiết bị kết nối về bờ, thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Từ đầu năm đến nay, Cảng cá Phan Thiết đã xác nhận 20 hồ sơ/455 tấn hải sản, chủ yếu là yêu cầu từ các công ty xuất khẩu thủy sản như Công ty TNHH Hải Nam, Hải Thuận, Công ty TNHH Đồ hộp Việt Cường, Toàn Thắng… |
Minh Vân