Theo dõi trên

Hình tượng con gà trong văn hóa Việt Nam

19/01/2017, 16:58

 BT- Hình tượng con gà hiện diện nhiều trong nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Là vật nuôi được thuần hóa từ lâu trong lịch sử, gà gắn bó với cuộc sống con người, nhất là trong tôn giáo và thần thoại.

 Con gà xuất hiện sớm nhất trong văn học dân gian, ở đó sính lễ của Sơn Tinh đi hỏi Mỵ Nương công chúa gồm voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Cũng trong văn hóa dân gian Việt Nam, hình tượng con gà còn có một vị trí quan trọng, với tục thờ Mẫu, Thánh, Ngũ Phủ cộng đồng, ở những nơi này biểu tượng con gà được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh.

Từ xưa thấy nhiều hình ảnh gà lưu truyền trong dân gian. Tranh Ðông Hồ vẽ gà mái với đàn gà con, là những bức tranh dân gian giàu chất nghệ thuật. Nổi tiếng nhất phải kể đến tranh gà, lợn của dòng họ Nguyễn Ðăng (khoảng đầu thế kỷ XX đến 1930). Với màu sắc đường “nét tươi trong”, đã từng là nơi gởi gắm những ước mơ giản dị của nhân dân về một cuộc sống ấm no, sung túc. Ngay trong những hoàn cảnh nghèo khó nhất, việc gây dựng lại cơ nghiệp cũng thường bắt đầu từ việc “đi vay đi dạm được một quan tiền - ra chợ mua con gà mái về nuôi”. Thế mới biết ở một đất nước nông nghiệp trồng lúa nước như ở ta, việc tăng gia thêm một đàn gà để nhặt thóc dư gạo thừa sau mùa vụ là rất phổ biến. Có lẽ vì thế, từ thuở ấu thơ, đã nghe trong tiếng ru của mẹ có hình ảnh con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi. Lớn lên một chút, được bài học về ứng xử trong cộng đồng “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Hình tượng con gà thật là quen thuộc trong cuộc sống. Người lớn vẫn nói với con cháu hóc xương gà, sa cành khế để nhắc nhở con trẻ khi ăn và  khi chơi. Thịt gà ngon thật nhưng xương gà rất giòn và nhọn sắc, ăn vội mà hóc thì khó gỡ, cũng như trèo khế sẩy tay mà ngã thì khốn... Phong tục bói chân gà không biết có tự bao giờ, chỉ biết rằng giống gà có khả năng đặc biệt là xương bị gãy tự hồi phục lại được. Chó liền da, gà liền xương mà. Ngày tết vào nhà ai nghe các cụ giảng giải về thuật xem bói chân gà để đoán biết việc của năm mới.

Còn tục thờ thành hoàng ở nhiều làng quê Việt Nam. Cứ hằng năm vào mùa xuân, nhất là vào tháng giêng, nhiều nơi có lệ tổ chức những hội thi tài trong đó có cả thi gà. Như ở làng Tạ Xá, xưa có tên là Lường Tè nằm trong một cụm 4 làng gồm Lường Tè, Lường Bụi, Lường Lủi, Lường Lau thuộc tổng Lương Xá, huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Ðông. Ở đây, từ 10 - 15/3 âm lịch đều tổ chức lễ rước thánh rất trọng thể và không thể thiếu phần thi gà trong dịp này. Qua những hội thi vào những dịp lễ, tết như vậy, ý thức về cái ngon, cái đẹp, cái khéo, cái hài hòa thấm dần vào đời sống dân quê.

Từ đó hình tượng gà và đặc biệt là tiếng gà gáy là những hình ảnh và âm thanh thân thương quen thuộc ở nông thôn, làng xóm Việt Nam, từ vườn rộng rào thưa, đến ngã ba sông nước bốn bề, sớm trưa, chiều, tối; con gà thân thiết trong tâm cảnh Việt Nam, từ lời ăn tiếng nói hàng ngày cục tác lá chanh, đến bàn thờ ông bà ngày giỗ tết, vào đến văn thơ, tranh pháo ngày xuân.

Nghi Lâm



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hình tượng con gà trong văn hóa Việt Nam