Theo dõi trên

Huy Khiêm một thời để nhớ!

02/05/2025, 05:09

Kể ra mình vẫn còn may mắn, ở cái tuổi cuối con dốc cuộc đời vẫn còn chống được cây gậy thời gian để về đây họp mặt cùng bạn bè, những người chung quê, chung làng chung những ngày ly loạn chiến tranh.

Sinh ra ở Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam, bên dòng sông Vu Gia và những bờ tre cong nỗi nhớ. Đại Lộc với tôi là nơi chôn nhau cắt rốn, là nguồn cội, tổ tiên.

lang-que-4.jpg

Nhưng rồi chiến tranh loạn lạc, tuổi thơ tôi lại nhận vùng đất Huy Khiêm, Tánh Linh, Bình Thuận phía trời Nam xa lắc làm quê hương thứ hai. Đây là nơi tôi đã gởi trọn tuổi thơ mình, nơi để lại nhiều kỷ niệm khó quên.

Ký ức về một thời thơ ấu, với hình ảnh quê hương qua những cánh đồng xanh rì dáng lúa, những mái nhà tranh khói bếp quyện trong chiều, những đêm trăng chơi u mọi, trốn tìm… những buổi lội đồng giăng câu bắt cá, những tiếng trâu nghé ngọ gọi bầy… mãi theo tôi, nuôi dưỡng tâm hồn tôi cho đến tận cuối đời.

Về lại chốn xưa, tôi như người mang nợ với quê, nợ tình đất tình làng trả cả đời không hết. Trở lại chốn quê trong tôi vui buồn lẫn lộn. Bao nhiêu năm cuộc đời lắm những đổi thay, quê xưa vừa thân quen, vừa lạ lẫm. Trong ký ức tôi dần hiện về những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu.

Năm 1959, từ Quảng Nam theo đoàn người di dân, cha mẹ tôi gồng gánh vào Huy Khiêm lập nghiệp. Tuổi thơ tôi lớn lên với hương rừng, hương rạ, với huyền thoại về cánh đồng nghìn mẫu. Huy Khiêm hồi ấy có nghìn rưỡi cư dân, sống rải đều trên bốn thôn. Phía đông bắc có hàng rào chiến lược bằng tre gai bao bọc, có hòn đá dựng rộng thênh và những hang sâu thẳm. Sau này mới biết hang ấy là nơi ém quân của bộ đội. Năm 1964 -1965 bom Mỹ dội xuống đây nhiều vô kể, nhưng đá dựng vẫn trơ mình thách thức.

Huy Khiêm những năm đầu khai lập, có voi bầy, cọp dữ. Dân nông cơ còn bắt được cả con nưa chín mũi. Rắn hổ đêm gáy te te, trăn to bằng cột nhà bắt gà heo như cơm bữa. Cá đồng thôi thì khỏi nói. Cầu Ngắn, cầu Dài, khe Nông Cơ, bàu Sen, bàu Bèo... chỗ nào cũng lắm cá. Thú vị nhất vào những đêm trăng theo cha ra đồng câu cá, ngồi vắt vẻo trên bờ đê, gió đồng no nê thổi. Trăng sáng vằng vặc, thoáng chốc cá rô, cá lóc đã đầy giỏ.

Xã Huy Khiêm bấy giờ trực thuộc quận Hoài Đức, tỉnh Bình Tuy. Dân hầu hết ở Quảng Nam vào, họ lam lũ, chịu thương chịu khó nên chỉ một hai năm lúa đã chín vàng đồng, cây trái sum xuê. Vui nhất mỗi độ xuân về, tết quê đậm đà hương vị. Nếp rang nổ giòn như pháo, bánh tét thơm lừng đêm 29, 30. Tết nhà nào cũng treo bộ tranh liễn, nào tranh Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ, Nàng Út ống tre... Mùa gặt, đêm ngồi xem trâu đạp lúa, nghe các cụ hát hò khoan, trăng chót vót vẫn chưa buồn ngủ.

Năm 1965 Huy Khiêm được giải phóng, lần đầu tiên ở tuổi chớm lên 10 tôi biết cách mạng và cũng từ đó Huy Khiêm chìm trong lửa đạn, lính kỵ binh Mỹ, lính sư đoàn 10 mở nhiều đợt hành quân tái chiếm rồi đưa dân về trại bố Tánh Linh. Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác đành làm người bỏ đất, bỏ quê. Làng Phước Bình nay là khu phố 8, phường Tân An, thị xã La Gi, quê hương thứ 3 cũng là nơi tôi đang sống, nhiều người đang sống và đã sống, là nơi hội ngộ và chia tay.

Với Huy Khiêm tôi không sinh ra từ đó, nhưng tuổi thơ tôi đã gởi trọn chốn này. Mà tuổi thơ làm sao thiếu được trong lẽ sống đời người, không nhớ tuổi thơ là không nhớ chính mình. Trở lại Huy Khiêm tôi mang theo vô vàn nỗi nhớ, nhớ gốc trâm rụng trái dưới sân trường, nhớ con đường làng lõm dấu chân trâu, nhớ ruộng lúa hát bè trong gió sớm mơn man, nhớ tiếng đàn cha “ú liu” mỗi khi ngà ngà rượu, nhớ mảnh vườn xưa và nhớ cả chính mình.

Huy Khiêm bây giờ đã ấm no nhiều hơn trước. Điện lưới đã về, đêm sáng làng quê. Nhà xây, nhà ngói chen nhau mọc. Trường học, trạm xá khang trang, thánh đường vươn cao bên góc núi, mái chùa phơi ngói đỏ au. Đường nhựa, đường bê tông đổ dài đến chân ruộng. Trên sườn núi là những rẫy tiêu, vườn điều, hạt, trái chín trĩu cành. Một Huy Khiêm đang lột xác hoàn toàn. Vừa thân quen, vừa lạ lẫm - cảm giác người xa quê khi trở lại. Tôi tìm xưa trong bóng hoàng hôn nhạt màu trên ruộng lúa, trong tiếng trâu nghé ngọ gọi đàn, trong hình bóng mẹ quê mặc yếm dội nước bằng gáo dừa bên giếng đất.

Tìm xưa, tôi về nơi vườn cũ, mảnh vườn còn sót lại cây xoài cha trồng khi mới lập quê. Tuổi xoài bằng tuổi em tôi. Thằng em tuổi tý mẹ sinh ra tại đất này.

Cha, mẹ tôi, anh tôi giờ không còn trên cõi đời, đứa em tuổi tí cũng đã mất. Mặn đắng vành môi, tôi không biết mình khóc tự bao giờ! Thôi thì vậy xin một lần sẻ chia nỗi nhớ!

NGÔ VĂN TUẤN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chương trình nghệ thuật và trình diễn 3D Mapping kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
BTO - Tối 30/4, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP. Phan Thiết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức chương trình nghệ thuật và trình diễn 3D Mapping kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Nổi bật
Từ nơi khô hạn đến vùng lúa trọng điểm của tỉnh
Từ vùng núi khó khăn khô hạn, sản xuất nông nghiệp chỉ nhờ nước trời, thường xuyên ăn củ mì, khoai độn cơm. Những người con Tánh Linh phải đi xe đạp hàng chục km trên con đường lộ huyết mạch nhưng sình lầy đến tận đầu gối mong kiếm con chữ để thoát cảnh nghèo khó. Giờ đây, nhiều người đã thành đạt nhất định. Và nơi miền núi ấy đã trở thành vùng lúa trọng điểm của tỉnh, nơi có thương hiệu gạo Tánh Linh, cá thát lát đang được thị trường ưa chuộng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huy Khiêm một thời để nhớ!