Theo dõi trên

Chấn chỉnh tình trạng ngư dân khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài

12/07/2017, 08:33 - Lượt đọc: 20

BT- Thời gian qua, tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp. Ngoài bị cơ quan chức năng nước ngoài bắt giữ, tiêu hủy tài sản, các ngư dân còn khuynh gia bại sản, thậm chí có trường hợp còn bị thiệt hại cả tính mạng… Thực trạng này đã được đề cập tại hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin biển, đảo gắn với ngư nghiệp, ngư trường, ngư dân do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức mới đây tại TP. Vũng Tàu.

                
Ngư dân đánh bắt hải sản vùng biển Trường    Sa.

Đại tá Trần Văn Nam, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ & Pháp luật Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, nhận thức của nhiều ngư dân còn thấp, trong quá trình đánh bắt hải sản vùng biển khơi, giáp ranh với các nước láng giềng, họ tìm cách cho tàu sang các vùng biển các nước trong khu vực, thậm chí một số nước xa để khai thác hải sản trái phép. Mặt khác, do nhiều ngư dân chưa đủ điều kiện kinh tế để trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết của tàu cũng như đào tạo, huấn luyện thủy thủ theo đúng quy định, rất dễ vi phạm vùng biển giáp ranh. Trong khi đó, cũng không loại trừ các đối tượng môi giới tổ chức đưa tàu cá, ngư dân ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Điển hình như Lê Văn Sơn (tức Sơn “rùa”) ở Quảng Ngãi, Nguyễn Thành Danh (TP. Mỹ Tho), Mai Hoàng Khởi (Cà Mau) đã bị công an các tỉnh này điều tra, xử lý… Từ những vụ việc trên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngư dân, nguy cơ gây bất ổn xã hội, đồng thời ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, trong 6 năm qua, tàu thuyền ngư dân bị nước ngoài bắt giữ chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, trong đó hai tỉnh có số lượng khá lớn như Quảng Ngãi với 306 tàu/3.219 ngư dân, Kiên Giang 360 tàu/2.018 ngư dân. Tương tự, Bà Rịa - Vũng Tàu 271 tàu/2.013 ngư dân, Cà Mau 259 tàu/2.181 ngư dân, Bình Định 165 tàu/1.270 ngư dân, Bến Tre 64 tàu/472 ngư dân, Bình Thuận 52 tàu/521 ngư dân. Số lượng tàu thuyền, ngư dân trên đã được Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện bảo hộ trên cơ sở luật pháp quốc tế, luật pháp nước sở tại và của Việt Nam, đưa tàu thuyền, ngư dân về nước, cùng các cơ quan chức năng (Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương) hướng dẫn ngư dân  hành nghề trong vùng biển khơi nước ta…

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 732 về việc ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp & PTNT, các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ ngư dân hoạt động trên vùng biển xa như tích cực thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi khai thác - chế biến - kinh doanh để nâng cao giá trị sản phẩm; hỗ trợ vật chất, tinh thần đối với ngư dân khai thác trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, nhà giàn DK1 bị tai nạn. Bộ, ngành chức năng tiếp tục đàm phán với các nước để đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản hợp pháp. Ngoài ra, cần sớm ban hành, quy định tàu cá khai thác thủy sản phải lắp, mở máy thông tin liên lạc, định vị 24/24h  để nâng cao hiệu quả quản lý, có cơ sở xác định vị trí tàu cá vi phạm. Cùng với đó, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển (có Bình Thuận) kiện toàn Tổ công tác liên ngành địa phương, tăng cường tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định nhà nước về quản lý hoạt động khai thác, không vi phạm vùng biển các nước; phối hợp Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng quy hoạch nghề khai thác phù hợp với nguồn lợi, thị trường; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con ngư dân để giảm cường lực khai thác…

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chấn chỉnh tình trạng ngư dân khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài