Cao điểm 21 ngày
Nhiệm vụ của tổ là giải thích, vận động người dân sớm đồng thuận bàn giao mặt bằng từ nay đến ngày 29/4 để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B đúng kế hoạch. “Tập trung xới lên trong dân tinh thần vì cái chung, chứ hiện tại chưa có giá đền bù, vì đơn vị tư vấn đang xây dựng giá đất và đến ngày 15/4 huyện mới có thể phê duyệt giá đất cụ thể phục vụ cho đền bù. Vì vậy, trước mắt tổ sẽ đến những nhà có đất sản xuất, sau khi có giá đền bù sẽ đến những hộ dân có nhà ở trên đất” - một thành viên trong tổ tuyên truyền của thị trấn Lương Sơn nói.

Hoạt động trên nằm trong nội dung mà Trưởng Ban chỉ đạo triển khai thực hiện tiểu dự án giải phóng mặt bằng thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng, kết luận tại cuộc họp ngày 4/4/2025. Đó là phát động đợt cao điểm “21 ngày tuyên truyền, vận động các hộ dân thuộc diện thu hồi đất dọc tuyến quốc lộ 28B sớm đồng thuận bàn giao mặt bằng”, thời gian bắt đầu từ ngày 8 - 29/4/2025. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền các địa phương liên quan khẩn trương thành lập Tổ vận động đặc biệt; người đứng đầu cấp ủy phải là Tổ trưởng chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng dự án…

Ngoài ra, cũng giao nhiệm vụ cho các phòng, ban liên quan. Như Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, phải khẩn trương tham mưu UBND huyện phê duyệt giá đất cụ thể phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định, thời gian chậm nhất 15/4/2025. Đồng thời đẩy mạnh công tác thẩm định các nội dung liên quan bồi thường hỗ trợ, tái định cư đảm bảo đúng tiến độ. Song song đó, chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan của tỉnh xem xét cho ý kiến liên quan công tác bồi thường đối với diện tích đất rừng, cây rừng tự nhiên và các loại cây không nằm trong danh mục theo đúng quy định pháp luật hiện hành; thẩm định các nội dung liên quan bồi thường (cây trái, hoa, màu...) đảm bảo đúng tiến độ…

Vì sao lại là cao điểm 21 ngày?
Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng vốn đã chậm tiến độ, với lý do chủ quan lẫn khách quan. Như tại Bình Thuận, đó là vướng đất có rừng gần 20 ha; hơn 500 hộ dân có đất, tài sản phải đền bù trải ở 5 xã, thị trấn gồm Phan Lâm, Phan Sơn, Sông Bình, Sông Lũy và Lương Sơn chỉ với 12,6 ha, cùng đất của 16 tổ chức với tổng diện tích 51,3 ha. Điều đáng chú ý, không chỉ có quá nhiều hộ với diện tích phải đền bù không lớn mà còn có cảnh các hộ ở những tỉnh, thành khác về vùng giáp ranh này nhận chuyển nhượng đất nên mất nhiều thời gian cho kiểm kê, xét tính pháp lý đất. Bên vùng đất giáp ranh thuộc tỉnh Lâm Đồng cũng không ngoại lệ.

Ngày 2/4/2025, Bộ Xây dựng đã có Công điện số 04 về đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B đoạn qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng. Theo công điện, không chỉ Bình Thuận còn vướng 31,5/51 km (bàn giao chính thức cho dự án 19,5/51 km, đạt 38%), do chưa duyệt phương án đền bù đất và tài sản trên đất, chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và phương án tận thu khai thác cây rừng mà Lâm Đồng cũng vướng 8 km/17 km (đã bàn giao chính thức cho dự án 9/17 km, đạt 53%), do chưa duyệt phương án đền bù đất và tài sản trên đất. Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, Bộ Xây dựng yêu cầu 2 tỉnh bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 4/2025.
Cùng ngày, tại Công văn số 1349 của UBND tỉnh đã yêu cầu huyện Bắc Bình đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bàn giao mặt bằng toàn tuyến quốc lộ 28B cho chủ đầu tư tổ chức thi công trước ngày 30/4/2025. Đồng thời giao các sở, ngành liên quan thực hiện hoàn tất hồ sơ, thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng (đất lâm nghiệp) theo quy định hiện hành để làm cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.
Trước đó, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI thông qua điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với gần 20 ha đất nằm trong dự án tại Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 10/1/2025. Sau đó, UBND huyện Bắc Bình hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án vào Kho bạc Nhà nước và được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh xác nhận tại Thông báo số 07/TB-QBPTR ngày 24/3/2025. Mới đây, ngành chức năng đã có tờ trình UBND tỉnh xem xét quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với diện tích gần 20 ha rừng trên. Riêng về đất rừng, tại kỳ họp thứ 33 (chuyên đề) diễn ra ngày 2/4/2025, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI cũng đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh diện tích chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất thực hiện dự án trên từ 53,6 ha xuống còn 50,638 ha, tức giảm 2,422 ha.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bắc Bình, sau khi tỉnh có Quyết định chuyển rừng, UBND huyện ra quyết định thu hồi đất, kiểm kê và bồi thường cây rừng rồi tổng hợp gửi hồ sơ về sở chức năng tham mưu UBND tỉnh có quyết định chuyển mục đích và giao đất. Như vậy, các thủ tục về đất rừng và rừng trên đất liên quan đến dự án cơ bản hoàn tất; phấn đấu bàn giao mặt bằng còn lại vào 30/4/2025.