Sáng 15/11, tại TP.HCM, trong khuôn khổ của Mekong Connect 2023 do Sở Công Thương TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và VCCI Cần Thơ tổ chức, hơn 100 DN trẻ trong nông nghiệp và các chủ thể OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tham gia Tọa đàm thúc đẩy bán hàng online qua nền tảng trực tuyến.
Tại tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện sản thương mại, người được chú ý trên mạng xã hội và doanh nhân trong ngành nông nghiệp, chủ thể OCOP cùng trao đổi về xu hướng mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng, từ đó cần thiết đa dạng kênh bán hàng.
Tọa đàm thúc đẩy bán hàng online qua nền tảng trực tuyến
Trong đó, hơn 100 DN trẻ trong ngành nông nghiệp cả nước, từ biên giới phía Bắc đến Cà Mau tham gia tọa đàm cho rằng, sản phẩm nông nghiệp bản địa hiện nay ngày càng được người tiêu dùng tìm kiếm, vấn đề là làm sao tiếp cận được người dùng một cách hiệu quả nhất. Vì vậy, việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) và gần đây là bán trên nền tảng mạng xã hội kết hợp TMĐT đã giải quyết bài toán này khá hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của thế giới và cả người Việt với nền tảng số. Tuy nhiên, khi bán hàng trên các sàn TMĐT, đối với nông sản, các sản phẩm OCOP sẽ gặp những hạn chế về năng lực và khả năng tài chính, chẳng hạn như cạnh tranh về giá, làm các chương trình khuyến mại.
Để giải quyết vấn đề này, tháng 4/2022 Tiktok Shop được cấp giấy phép ở Việt Nam, đến tháng 3/2023, Trung tâm ký hợp tác để có thể trợ giúp hiệu quả cho các chủ thể nhỏ, kết nối thẳng đến người tiêu dùng mà không cần trung gian. Kể từ đó đến nay, 10.800 sản phẩm OCOP của Việt Nam được livestream trên nền tảng Tiktok Shop đã kể 10.800 câu chuyện về giá trị bản địa, quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và được người tiêu dùng tiếp cận đặt hàng trực tiếp.
Chủ thể OCOP sẽ được đào tạo để livestream bán sản phẩm của mình
Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp đã cùng 24 địa phương trong nước tổ chức livestream phiên chợ OCOP vào thứ Bảy hàng tuần. Đến nay, các bên đã tổ chức 700 phiên livestream sản phẩm nông nghiệp với hơn 300 triệu lượt xem, có tổng doanh thu 100 tỷ đồng. Định hướng của Trung tâm là không chỉ mời các người nổi tiếng livestream mà chọn ra 10-15 chủ thể OCOP, để đào tạo trở thành những người livestream bán hàng, chính thức mở kênh bán sản phẩm của mình.
“Thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội cho phép các chủ thể, người bán tương tác trực tiếp với người mua. Chủ thể ngoài doanh thu còn tiếp nhận được rất nhiều phản hồi của người mua, từ đó tiếp tục chuyển mình, nâng cấp về mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm, hệ sinh thái sản phẩm, phân khúc được thị trường”, ông Tiến nói.