Ông Trần Thế Long đang lấy mẫu ảnh “Bác Hồ trong chiến dịch biên giới thu - đông, năm 1950” để vẽ. |
Ông Long cho biết thêm: Những lúc khó khăn, gian khổ như thế, các chiến sĩ cách mạng trong tù luôn nhớ về Bác Hồ. Và hàng năm cứ đến ngày 19/5, những người tù chính trị luôn tìm mọi cách để kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. Tuy nhiên, việc có ảnh Bác để làm lễ là vô cùng khó khăn. Là người biết vẽ từ lúc còn nhỏ và từng vẽ ảnh Bác Hồ trước khi bị địch bắt, nên ông Long đề nghị trực tiếp vẽ ảnh Bác Hồ. Sau một thời gian bí mật chuẩn bị, ông Long tìm được giấy vẽ từ các thùng cacton đựng thức ăn, mực vẽ thì lấy từ mật cá nóc, nhờ bạn tù quen biết với bếp ăn mang vào. Bằng trí nhớ của mình, ông Long vẽ tương đối chính xác ảnh Bác Hồ.
Sáng 19/5/1970, khoảng 10 anh em quê Bình Thuận, Ninh Thuận (Phán, Thông, Liêm, Lương, Tình, Vinh, Bé Hiền…), tập trung ở khoảng đất trống giữa 2 dãy nhà giam để học văn hóa (người có văn hóa cao hơn dạy cho người có trình độ văn hóa thấp) như thường lệ. Được sự chỉ đạo của các đảng viên trong chi bộ nhà tù, lợi dụng sơ hở của cai ngục, ông Long đưa ảnh Bác Hồ đã vẽ sẵn mấy hôm trước ra để tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật Bác. “Nhìn bức ảnh “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” mà tôi vẽ, tất cả những bạn tù đều không cầm nỗi nước mắt nhớ thương Bác Hồ”, ông Long nói.
Sau đó, những người tù chính trị, ai nhớ những gì về Bác thì kể cho người khác nghe. Anh Phán quê ở Ninh Thuận, là một trong những người biết nhiều về cuộc đời hoạt động của Bác kể cho ông Long và các bạn tù nghe về năm tháng hoạt động của Bác; anh Vinh quê Ninh Thuận đọc Nhật ký trong tù: “Thân thế ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần phải càng cao…”. Còn ông Long đọc lời chúc tết của Bác xuân năm 1969: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
“Có năm vào các ngày sinh nhật Bác 19/5, ngày lễ Quốc khánh 2/9, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12…, cai ngục tuần tra và kiểm tra gắt gao nên không thể mang ảnh Bác đã vẽ sẵn ra để làm lễ được, thì chúng tôi vẽ ảnh Bác trên đất. Những lúc đó, tôi nhanh chóng gạt lớp đất cát cho bằng phẳng, rồi dùng que vẽ ảnh Bác. Vừa vẽ tôi dùng đất đắp bờ làm khung ảnh” - ông Long kể thêm.
Những lần tổ chức kỷ niệm sinh nhật Bác như thế, đã tiếp thêm sức mạnh, nhắc nhở những người tù chính trị giữ khí tiết, kiên định lý tưởng cách mạng, không chịu khuất phục kẻ thù, vượt qua những đớn đau về thể xác, tinh thần, hướng đến ngày toàn thắng của cách mạng.
Quang Phát
(Ghi theo lời kể của ông Trần Thế Long, cựu tù nhà lao Phú Quốc, hiện cư ngụ tại phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết)