Theo đó, 3 nhóm ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ gồm nhóm ngành hàng, sản phẩm trồng trọt; nhóm ngành hàng, sản phẩm chăn nuôi bò và nhóm ngành hàng, sản phẩm thủy sản nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Trong đó, nhóm ngành hàng, sản phẩm trồng trọt như lúa, gạo, nếp, bắp lai, thanh long, sầu riêng, táo, xoài, nhãn, bưởi, rau các loại, cây điều và cây dược liệu các loại. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT hàng năm rà soát, đánh giá theo điều kiện phát triển sản xuất, khả năng cân đối ngân sách và đảm bảo, phù hợp những lợi thế, tiềm năng phát triển nhu cầu của thị trường. Qua đó, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt bổ sung vào danh sách ngành hàng, sản phẩm được khuyến khích ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98…
Được biết, Nghị định 98 quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp. Đối tượng áp dụng là nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác; cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện nghị định này. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nghị định 98 bao gồm hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm…
Sau 5 năm thực hiện Nghị định 98, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận cho biết, tính đến năm 2023, toàn tỉnh có 10 chuỗi liên kết được phê duyệt và triển khai tại 3 huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam. Trong đó có 9 chuỗi cấp huyện và 1 chuỗi cấp tỉnh. Tổng kinh phí các dự án, kế hoạch liên kết được cấp thẩm quyền phê duyệt là 51,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 29,4 tỷ đồng...