Theo dõi trên

Du lịch nông nghiệp, cần khai mở

09/01/2024, 05:50

Du lịch nông nghiệp đang dần trở thành một “món ăn lạ” tại Bình Thuận, bên cạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch văn hóa tâm linh, khám phá... Tuy vậy, phát triển cũng cần phải đi đôi với gìn giữ, tái tạo môi trường để từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững hơn.

Thời gian qua, các tour, tuyến, điểm du lịch sinh thái, du lịch khám phá sông - hồ - ghềnh - thác như: tour khám phá lòng hồ Đa Mi, tour khám phá thác 9 tầng, kết hợp tham quan vườn cây ăn trái ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc góp phần đa dạng sản phẩm, loại hình phục vụ du khách khi đến Bình Thuận.

Khi cơn gió khô hanh của “bấc” thổi nhiều ở miền xuôi, ta xuôi ngược tìm về với Đa Mi trong ngày cuối năm, đón những ánh bình minh đầu tiên, chạm vào hơi thở của sông hồ, ghềnh thác. Hàm Thuận Bắc có nhiều điểm du lịch sinh thái và địa điểm sông hồ thích hợp camping…

dsc04662.jpg
Tham quan cảnh đẹp tại Đa Mi

Thạc sĩ Phạm Công Danh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM), người có thâm niên trong giảng dạy và làm về du lịch cộng đồng chia sẻ: “Yếu tố hết sức quan trọng trong khai thác loại hình du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp là yếu tố con người. Nhân sự tại các cơ sở du lịch, nhà vườn… phải am hiểu bản địa từ văn hóa, khí hậu, môi trường sinh thái, sản vật địa phương đến mùa vụ, ẩm thực, bên cạnh các kiến thức, nghiệp vụ, khả năng vận hành cơ sở lưu trú”.

dsc04535.jpg
Khám phá những dòng thác đẹp.

Theo ông Phạm Công Danh, muốn làm tốt mô hình du lịch còn mới lạ này, quảng cáo, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng. Các đơn vị phải xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu và cần có chiến lược lâu dài theo các mùa trong năm, theo chủ đề, đặc trưng bản địa để gợi mở sự tò mò của du khách. Ngoài ra, các đơn vị phải định vị được điểm đến của mình trên bản đồ để du khách dễ tìm đến.

dsc04624.jpg
Du khách thích thú khám phá thác 9 tầng - Đa Mi 

Du khách có thể khám phá sông - hồ - ghềnh – thác như chinh phục thác 9 tầng, thác Săn Mây rồi cùng nhau tận hưởng sản vật ở vườn cây ăn trái ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi, tour khám phá lòng hồ Hàm Thuận - Đa Mi vào buổi hoàng hôn hay tận hưởng vẻ đẹp huyền ảo trong buổi sáng bình minh, bên tách cà phê buổi sáng. Vẻ đẹp nên thơ ấy, đang hình thành cho Đa Mi một điểm đến khác biệt. Không chỉ là loại hình du lịch nông nghiệp, mà với vẻ nên thơ ấy, Đa Mi còn có thể mang lại giá trị khác - “du lịch chữa lành”. “Mình yêu một sớm bình yên bên hồ Hàm Thuận. Mong rằng, bà con Đa Mi làm du lịch cộng đồng và du khách biết trân trọng, yêu thương, giữ gìn sự trong sạch, nguyên vẹn cho môi trường và thiên nhiên nơi đây. Mong chờ ngày trở lại Đa Mi” – Lê Tùng, Công ty Lữ hành MuiNe Express, chia sẻ cảm xúc khi đến Đa Mi.

dsc04623.jpg
Đa mi mang vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ

Đa Mi mang vẻ đẹp ngàn xanh, ngút ngàn và hùng vĩ bởi thiên nhiên, gợi mở du khách những trải nghiệm để chữa lành và tìm được sự bình an. Đa Mi nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, có diện tích tự nhiên là 13.867,37 ha, cách trung tâm huyện Hàm Thuận Bắc hơn 60km, kết nối với trung tâm huyện và TP. Phan Thiết qua tỉnh lộ ĐT714, kết nối với thị xã La Gi của tỉnh ta và thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng qua quốc lộ 55. Đa Mi còn sở hữu vẻ đẹp bởi lòng hồ Hàm Thuận và hồ Đa Mi kỳ bí và quyến rũ được ví như Vịnh Hạ long thu nhỏ. Du khách có thể mạo hiểm, thách thức bản thân mình khám phá thác Chín Tầng, thác Sương Mù. Bên ánh lửa rừng, du khách thả mình trong sự mát lạnh của không khí trong lành và tận hưởng những món ngon sẵn có: Cá lăng, cá chép, lìm kìm cá cơm… được nuôi tự nhiên ở hồ Hàm Thuận, cá tầm ở hồ Đa Mi; gà trên cây, heo vườn… còn có 2 món thực phẩm chức năng là lá bép (rau nhíp) và bồ công anh (diếp trời, diếp dại) được chế biến thành hàng chục món khác nhau.

dsc04604.jpg
Khám phá từng ngóc ngách ở thác 9 tầng 

Ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chia sẻ: “Bình Thuận là địa phương có thế mạnh về du lịch biển, nhất là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao biển… Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng có dư địa rất lớn phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái cộng đồng với thế mạnh quỹ đất lớn kết hợp ưu điểm về sông ngòi, kênh rạch, rừng núi. Đặc biệt, tại huyện Hàm Thuận Bắc đang có một Đa Mi xanh ngút ngàn bởi thiên nhiên, tiềm năng nổi trội để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với nhiều danh thắng như: hồ Hàm Thuận, hồ Đa Mi kỳ bí và quyến rũ; thác Chín Tầng, thác Sương Mù…

dsc04679.jpg

Với tiềm năng và thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nông nghiệp vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, trong tương lai gần Hàm Thuận Bắc có quyền tin vào việc phát triển loại hình này. Đặc biệt là các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, khám phá thiên nhiên, thể thao mạo hiểm, trekking (đi bộ dã ngoại đường dài), homestay (ở cùng nhà dân), gardenstay (du lịch nhà vườn)… như ở một số địa phương có du lịch cộng đồng nổi tiếng như: Bản làng Thái Hải (Thái Nguyên); điểm bản Sin Suối Hồ (Lai Châu)… mà gần nhất là Đà Lạt – nơi luôn khai mở những mô hình du lịch mới mẻ, thu hút du khách.

QUANG NHÂN


(1) Bình luận
Bài liên quan
Du lịch Bình Thuận tạo “điểm cộng” để đón khách
Những ngày qua thời tiết được thuận lợi cùng sức hấp dẫn từ những điểm đến, du lịch Bình Thuận trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch đã đón lượng khách khá đông đến nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi và trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch…
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch nông nghiệp, cần khai mở