Nhiều mối lo
Xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, có địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, với tổng diện tích tự nhiên 14.538 ha, trong đó diện tích rừng 9.715 ha. Toàn xã có 4 thôn gồm Đaguri, La Dày, Đa Kim, Đa Tro, mỗi thôn cách xa nhau 5 – 10km, thậm chí 20 km, tính từ trung tâm xã. Với 1.347 hộ/4.331 khẩu, dân số phần lớn sống không tập trung, nhiều hộ dựng nhà, chòi ở trong vườn, rẫy xa khu dân cư. Trong số họ, có 359 người đồng bào dân tộc thiểu số, còn lại là người ở các tỉnh, thành khác trên cả nước về định cư. Họ làm vườn, rẫy, canh tác các loại cây ăn trái như cà phê, bơ, mít… đặc biệt là sầu riêng thu hút nhiều người đến tìm việc và thu mua nông sản.
Điều đó cho thấy rất khó quản lý về mặt con người, nhất là trong việc xử lý kịp thời các vấn đề an ninh trật tự phát sinh. Chưa kể Đa Mi giáp Lâm Đồng có 22 km QL55 liên tỉnh Bình Thuận – Lâm Đồng. Địa bàn giáp ranh luôn phức tạp, khi các loại tội phạm lợi dụng các yếu tố này để hoạt động, trong đó cấu kết, móc nối thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, ẩn náu tại các vùng giáp ranh... làm phát sinh nhiều tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, Đa Mi bắt đầu “bùng nổ” du lịch khi mạng lưới giao thông trong và ngoài tỉnh đã mở lối thuận tiện cho việc đi lại. Du khách đang ngày càng tìm về để tham quan vãn cảnh thác, hồ, thưởng thức đặc sản trái cây ngọt lành, giúp cho Đa Mi dần "bừng sáng". Theo đó lượng phương tiện giao thông sẽ đông đúc hơn, không tránh khỏi nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cần tăng cường lực lượng
Theo báo cáo về tình hình an ninh trật tự của Đa Mi, năm 2023 toàn xã xảy ra 6 vụ vi phạm liên quan an ninh trật tự và an toàn giao thông. Ngoài ra tình hình trộm cắp, ma túy, lấn chiếm lòng lề đường, thanh niên tụ tập quá giờ quy định, khai thác khoáng sản trái phép, lấn chiếm đất rừng, các đối tượng truy nã đến lẩn trốn cũng phức tạp.
Những yếu tố trên đang làm lãnh đạo địa phương, đặc biệt Công an xã, lực lượng trực tiếp chịu trách nhiệm các vấn đề xảy ra trên địa bàn lo ngại là điều dễ hiểu. Trưởng Công an xã Lê Trúc Vương chia sẻ: Đa Mi hiện có 5 công an chính quy, chưa có đội dân phòng, ngày cũng như đêm chúng tôi thường phối hợp với tổ tự quản ở các thôn, hội đoàn thể tuần tra, kiểm soát nắm tình hình địa bàn. Nhưng Đa Mi có diện tích đất tự nhiên rộng lớn, địa hình hiểm trở, du lịch đang phát triển, dễ phát sinh nhiều tệ nạn như trồng cần sa, ma túy, bài bạc… Đối tượng thường lẩn trốn vào rừng, rẫy, những nơi hẻo lánh hoạt động phi pháp, trong khi lực lượng an ninh mỏng nên rất lo ngại.
Thực tế trên cho thấy, Đa Mi cần được quan tâm bố trí thêm lực lượng hoặc lập thêm đội dân phòng như nhiều địa phương khác đã làm. Tuy vậy, việc lập đội dân phòng không dễ, vì tiền phụ cấp hàng tháng theo quy định không nhiều, chỉ với gần 500.000 đồng/tháng cho đội trưởng, còn đội phó gần 300.000 đồng/tháng, các thành viên khác không có đồng nào (một đội từ 5 – 7 người). “Chúng tôi đang tìm người để thành lập đội vì thành lập được đội này sẽ hỗ trợ cho anh em, nhưng rất khó tuyển”, Trưởng Công an xã Lê Trúc Vương nói.
Việc đưa công an chính quy về xã là chủ trương đúng của Bộ Công an khi tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, trở thành mối lo ngại cho gia đình, nhà trường, toàn xã hội và bước đầu chủ trương này đã phát huy hiệu quả. Đối với những xã phức tạp về an ninh trật tự, xã vùng giáp ranh, người dân vẫn mong muốn ngành chức năng tăng cường thêm lực lượng để đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn hơn nữa mà xã Đa Mi là điển hình.