Những nỗ lực
Trong điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, với nhân lực mỏng, nhưng ngành thi hành án dân sự (THADS) đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ cấp trên giao. Theo Cục THADS, chỉ tiêu Tổng cục THADS giao năm 2023, phải thi hành xong trên 82,6% về việc và trên 45,6% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành. Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm lãnh đạo Cục và các Chi cục THADS thường xuyên đôn đốc các chấp hành viên, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền. Nhờ vậy, đến nay toàn ngành đã thực hiện vượt chỉ tiêu giao, với về việc đạt trên 83%, còn về tiền chưa đạt, chỉ với 42,49%, nhưng so với năm trước tăng 6,13%.
Cụ thể, tổng số việc phải thi hành là 17.469 việc, trong đó số có điều kiện thi hành là 13.235 việc và đã thi hành xong 11.025 việc, đạt tỷ lệ 83,3%, tăng 1,68% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 0,7% so với chỉ tiêu Tổng cục giao. Về tiền, tổng số phải thi hành là trên 3.620 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là trên 1.592 tỷ đồng, chiếm 43,99%. Hiện đã thi hành xong trên 676 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 42,49%, tăng 6,13% so với cùng kỳ năm 2022, còn thiếu 3,11% là đủ chỉ tiêu Tổng cục giao.
Đáng lưu ý, năm 2023 dù nỗ lực nhưng việc thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước; giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng giảm. Đây cũng là năm phát sinh nhiều vụ việc thi hành án tín dụng, ngân hàng liên quan đến tàu 67. Quá trình tổ chức thi hành án các vụ việc này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Còn những bất cập
Bên cạnh kết quả đạt được còn những bất cập, khó khăn, vướng mắc. Cục THADS cho biết, toàn ngành hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chưa đảm bảo. Trong khi, lượng án hành chính khá nhiều, nội dung các vụ việc phức tạp vì liên quan đến chính sách về đất đai như: thu hồi, giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… thủ tục giải quyết phải qua nhiều bước và liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành nên thời gian thi hành án thường phải kéo dài, phần nào tạo áp lực đối với các cơ quan phải thi hành án trong thực hiện nhiệm vụ. Xử lý tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm hay xử lý toàn bộ dự án; xử lý phần vốn góp của doanh nghiệp... đến nay chưa được quy định cụ thể, hướng dẫn cụ thể, nên chưa có đủ cơ sở pháp lý trong quá trình xử lý tài sản dẫn đến lúng túng hoặc có sai sót, làm ảnh hưởng tiến độ tổ chức thi hành án...
Một số việc phải thi hành án với số tiền rất lớn khi tổ chức thi hành gặp nhiều vướng mắc liên quan đến việc kê biên, xử lý tài sản, chủ yếu dự án đầu tư của doanh nghiệp. Để tổ chức thi hành án những vụ việc này, cần nhiều thời gian cho công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành xác minh, xử lý tài sản nên chưa thi hành xong. Thị trường bất động sản lắng đọng, việc xử lý tài sản để thi hành án chủ yếu là bất động sản, như nhà ở, quyền sử dụng đất, công trình dự án... giảm giá nhiều lần vẫn không có người mua. Trụ sở làm việc nghèo nàn, nhân lực mỏng, người phải thi hành án trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án dẫn đến việc thi hành án mất nhiều thời gian...
Dù vậy, toàn ngành quyết tâm đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm 2023, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024. Ông Huỳnh Văn Hùng - Cục trưởng Cục THADS Bình Thuận cho biết, chúng tôi tập trung kiểm tra, nắm bắt tiến độ giải quyết án của từng đơn vị, chấp hành viên, nhất là những vụ việc có giá trị thi hành lớn, phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành; chú trọng công tác xác minh điều kiện thi hành án và phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện, bảo đảm chính xác, kịp thời.