Theo dõi trên

4 đời nghiệp lân sư rồng

26/01/2016, 14:27

BT- Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh hệ cao đẳng Trường Đại học Mở (TP.HCM), nhưng Trần Văn Vũ (SN 1988) lại quyết định khăn gói về quê theo nghiệp lân sư rồng.

                       
Trần Văn Vũ tự tay trang trí cho các đầu    lân, rồng. Ảnh: M.V

Tiếp bước

Vũ sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 đời theo nghiệp lân sư rồng ở phường Đức Nghĩa – Phan Thiết. Nơi được xem là cái nôi hình thành môn nghệ thuật này. Không hối tiếc con đường đã chọn, ngược lại Vũ thấy quyết định của mình sáng suốt khi tiếng trống rộn rã của đoàn lân sư rồng vốn đã ăn sâu vào máu thịt của cậu bé khi tuổi vừa lên ba. Từ ông sơ, ông cố rồi đến ông ngoại đều là những thành viên quan trọng trong các đoàn lân sư rồng có tiếng ở Bình Thuận thời ấy. Tuổi thơ của cậu bé Vũ luôn sôi động theo tiếng trống rộn ràng. Thuở nhỏ, vào dịp tết, Vũ thường theo ông ngoại, lúc ấy là Trưởng đoàn Rồng Thanh Long đi biểu diễn khắp nơi. Những con lân, rồng màu xanh, đỏ, vàng uốn lượn, nhảy múa theo tiếng trống thùng thùng đã khiến cậu bé say mê. Xem thôi chưa đủ, cậu còn lân la tập đánh trống, ra điệu bộ như con lân, con rồng cuộn mình trong sân làm ai thấy cũng  cười, thích thú. Thấy con đam mê, Vũ lên 9 tuổi gia đình gửi vào đoàn lân sư rồng của Hội quán Quảng Đông, một trong những đoàn lân có tiếng ở Phan Thiết lúc bấy giờ. Như cá gặp nước, Vũ thỏa sức thể hiện năng khiếu, học hỏi  và được cùng đoàn tham gia biểu diễn tại các sự kiện lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Thoáng chốc nhìn lại, cậu bé ngày nào đã có hơn 15 năm kinh nghiệm.

 Chia sẻ kinh nghiệm trong nghề, Vũ cho biết: “Đến với nghề này, phải có sức khỏe dẻo dai, siêng năng tập luyện để có thể thực hiện những động tác leo trèo, bay nhảy. Đằng sau những màn trình diễn đẹp mắt, chắc chắn không thể thiếu những giọt mồ hôi và cả tai nạn nghề nghiệp khi thực hiện những động tác khó. Trong rất nhiều tiết mục hấp dẫn như: lân phá cỗ, lân - sư giao đấu, lân múa mai hoa thung, lân leo sào, rồng leo trụ... tiết mục mai hoa thung thường được nhiều nơi mời múa trong các dịp lễ hội lớn. Đây là tiết mục khó, đòi hỏi người múa cần ít nhất vài năm kinh nghiệm và kỹ thuật cao. Đặc biệt, người múa và người đánh trống cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng thì tiết mục mới thành công”.

                       
Đoàn lân sư rồng Nam Hoa có những bài biểu    diễn mới lạ thu hút người xem.

Khai sinh đoàn lân sư rồng Nam Hoa

Với sở trường là đánh trống, múa rồng, lại thích tìm tòi, sáng tạo, Vũ từng ao ước có đoàn lân riêng để cập nhật những kỹ thuật mới, những bài trình diễn độc đáo phục vụ thị hiếu của bà con. Nghĩ là làm, năm 2012, đoàn lân sư rồng Nam Hoa thuộc Hội quán Phúc Kiến (phường Đức Nghĩa) đã chính thức ra đời trong sự hoài nghi của nhiều người. Có lẽ, một phần hưởng “gen” từ các thế hệ đi trước, cộng thêm nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thôi thúc Vũ mạnh dạn “ra riêng”. Trong thời gian học cao đẳng ở TP.HCM, Vũ cũng tìm cách gia nhập đội lân sư rồng của những đàn anh cho đỡ nhớ nghề. Không chỉ vậy, Vũ còn tham gia nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn do các HLV kỳ cựu thuộc Hội Lân sư rồng TP.HCM đứng lớp. Chính sự chịu khó này, đã giúp đoàn lân sư rồng Nam Hoa nhanh chóng vượt qua khó khăn sau khi ra đời và sớm khẳng định tên tuổi trong lòng khán giả. Vũ chia sẻ: “Lúc ấy mình còn trẻ lại thành lập đoàn lân sư rồng riêng nên gặp rất nhiều khó khăn, cả về kinh phí hoạt động lẫn các hợp đồng biểu diễn vì đoàn chưa có tên tuổi. Nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực của anh em trong đoàn, những con lân có hồn với bước nhảy đẹp và những bài biểu diễn lạ mắt, kỹ thuật điêu luyện đã thật sự chinh phục người xem”.

             

Trong vòng 3 năm, đoàn lân sư rồng Nam Hoa đã hội tụ hơn 30 thành viên có tuổi đời khá trẻ từ 12 tuổi đến 29 tuổi, và nhận được nhiều hợp đồng trong các dịp lễ hội, khai trương, khánh thành. “Mỗi dịp tết về, 6 con rồng, 12 con lân, 2 sư và 17 trống của đoàn đều hoạt động hết công suất”,  Vũ cho biết thêm. Nếu để ý, người trong nghề sẽ nhận ra hầu như đội ngũ lân, rồng, quần áo qua mỗi năm đều được anh bạn trẻ chịu khó đầu tư mua mới, tu bổ và tự tay vẽ, trang trí để có được “bộ đồ nghề” ưng ý nhất phục vụ khán giả.

Với mong muốn phát triển hơn nữa bộ môn nghệ thuật độc đáo này, Vũ dự định mở lớp tập luyện cho các bạn nhỏ có chung niềm đam mê, vừa tạo sân chơi, rèn luyện sức khỏe cho các em vừa mở rộng quy mô đoàn lân sư rồng Nam Hoa với đội ngũ chuyên nghiệp để tiếp tục phục vụ khán giả trong những năm tiếp theo. Bởi chàng trai này luôn tìm thấy niềm vui, niềm tự hào khi được làm cái “nghề cầu tài, cầu lộc” cho người.

      

  Từ ông sơ, ông cố rồi đến ông ngoại đều là những thành viên quan trọng   trong các đoàn lân sư rồng có tiếng ở Bình Thuận thời ấy, nên tuổi thơ   của cậu bé Vũ luôn sôi động theo tiếng trống rộn ràng.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
4 đời nghiệp lân sư rồng