Sạt lở đất do mưa lũ tại Bắc Bình. |
Ảnh hưởng nặng do thiên tai
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai xuất hiện bất thường, không theo quy luật. Các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trong những năm qua như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét… đã tác động trực tiếp làm thiệt hại về người, tài sản của nhân dân cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng. Đơn cử tại huyện Bắc Bình, tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn huyện từ tháng 12/2019 đến tháng 5/2020 diễn ra rất gay gắt. Do nguồn nước không đảm bảo phục vụ sản xuất, nên đã cắt giảm không bố trí sản xuất 7.000 ha lúa vụ đông xuân. Tổng số hộ dân thiếu nước sinh hoạt cục bộ trên địa bàn huyện gần 10.000 hộ/44.174 khẩu.
Cũng trong năm 2020, Bắc Bình chịu ảnh hưởng 2 đợt do mưa lớn trong tháng 9 và tháng 10, với tổng giá trị thiệt hại trên 19 tỷ đồng. Trong năm 2021, chỉ tính trong tháng 9 và 10 vừa qua, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn đều có mưa trên diện rộng, kèm theo giông, sét liên tục. Cao điểm từ ngày 22/9 đến 6/10, trên địa bàn các xã, thị trấn đã xảy ra mưa lớn kéo dài, cùng với lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về sông Lũy và suối, kênh mương nội đồng làm ngập trên 300 ha, với gần 500 hộ, bao gồm thiệt hại về lúa (giai đoạn 35-70 ngày tuổi), bắp, hoa màu, cây ăn quả tại các xã, thị trấn Phan Hòa, Sông Bình, Chợ Lầu, Phan Rí Thành, Phan Hiệp, Hải Ninh, Bình An, Phan Sơn. Tổng giá trị thiệt hại gần 6,5 tỷ đồng.
Chủ động các phương án
Theo ông Mai Văn Vụ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình, kế hoạch của huyện trong ứng phó với thiên tai của địa phương sẽ tùy theo mức độ, cường độ để ứng phó và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, các xã Hòa Thắng, Hồng Phong, Phan Rí Thành và Đồn Biên phòng Hòa Thắng có kế hoạch kiểm tra thường xuyên và chặt chẽ các bến bãi, nơi neo đậu tàu thuyền đúng quy định, nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Đồng thời phải chú ý các vùng dân cư ven sông, ven biển và các vùng cửa sông thường bị lũ quét, nước dâng, sạt lở để có phương án, kế hoạch cụ thể.
Bên cạnh đó, để ứng phó với hạn hán, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN huyện phối hợp với các đơn vị quản lý hồ chứa vận hành hợp lý hồ chứa nước, công trình cấp nước, sử dụng tiết kiệm, chống thất thoát nước. Đồng thời, điều chỉnh giống cây trồng, vật nuôi, ưu tiên cung cấp điện và vật tư, nhiên liệu cần thiết cho các trạm bơm. Song song, sẵn sàng triển khai phương án phòng chống hạn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với vùng thường xuyên ảnh hưởng do hạn hán, có phương án tích trữ nước và sử dụng hợp lý. Mặt khác, địa phương chú trọng đến công tác ứng phó với sạt lở đất, thông qua tuyên truyền đến các hộ dân hiện đang sinh sống dọc ven sông, suối, sườn đồi các khu vực nguy cơ sạt lở cao. Hình thức truyền thông tin từ huyện đến các xã, thị trấn và cộng đồng dân cư qua hệ thống truyền thanh của địa phương.
Với diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, trong năm 2021, huyện Bắc Bình lên kế hoạch tổ chức sơ tán nhân dân, nhờ sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang kết hợp với các lực lượng tại chỗ khác. Trong đó, người dân tự sơ tán là chính, ưu tiên sơ tán cho người già, trẻ em, phụ nữ, người bệnh. Đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân không chịu sơ tán, cố thủ thì tổ chức cưỡng chế sơ tán. Huy động lực lượng, phương tiện vật tư, nhu yếu phẩm, tổ chức khắc phục hậu quả. Từng người, từng nhà, từng cơ quan đơn vị, từng địa phương phải tăng cường cảnh giác, đề phòng và rà soát các mặt chuẩn bị ý thức để đối phó thiên tai.
K.Hằng