Với tập sách 40 năm hội Văn học nghệ thuật Bình Thuận (1982 - 2022), kỷ niệm 40 năm ngày thành lập hội vừa xuất bản, trên khung nền của một kỷ yếu được mở rộng, tạo nên những “phân khúc” sinh động của các chuyên ngành và các Chi hội VHNT huyện, thị, thành phố. Ở lời giới thiệu tập sách nhấn mạnh: “… giới thiệu đến các ngành, đơn vị hoạt động văn hóa văn nghệ liên quan, để có cái nhìn bao quát, toàn diện về sự trưởng thành và không ngừng vươn lên cũng như những đóng góp đáng quý của lực lượng văn nghệ sĩ tỉnh nhà”. Có thể coi đây là một công trình của tập thể, đảm bảo tính lịch sử, phản ánh sinh động từng thời kỳ, khắc họa bằng những trang hồi ức, những bức ảnh có giá trị với thời gian…Từ giai đoạn khởi đầu hình thành Ban vận động hội VHNT Thuận Hải/ Bình Thuận (ngày 11/3/1983 - lúc ấy chỉ có 56 hội viên, nay có hơn 230 hội viên), sau 3 năm tiến tới đại hội lần thứ I (1986) và nối tiếp qua 6 nhiệm kỳ đại hội, thật sự là một chặng đường dài với biết bao dấu ấn sâu sắc đáng nhớ. Có đến trên trăm bức ảnh minh họa các sự kiện, sinh hoạt từ tỉnh đến các phân hội chuyên ngành, chi hội cơ sở trải dài các thời kỳ. Những trang hồi ức đầy cảm xúc, những văn bản buổi đầu làm nền tảng cho hội vững vàng và phát triển. Tập sách không những có giá trị khái quát, tổng kết một quá trình dài mà còn tạo nên sự lắng động, gợi nhớ lớp tiền bối, văn nghệ sĩ đi trước. Có được một sức vóc của tuổi 40 hôm nay, đầy năng lượng, nguồn cảm hứng cho sự nghiệp văn học nghệ thuật trước mắt đang đòi hỏi với những yêu cầu cao hơn… Nhìn lại, Hội VHNT Bình Thuận đã tự hào thực hiện được cuộc hành trình theo kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, chính quyền tỉnh Thuận Hải/ Bình Thuận khi quyết định cho thành lập, như phát biểu của đồng chí Lê Văn Hiền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải tại cuộc họp mặt ngày 20/11/1982 – cách đây 40 năm: “Song muốn hoàn thành tốt đẹp phải nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn to lớn, chẳng những về phương diện vật chất, tài chính mà chủ yếu là những điều kiện cơ bản bảo đảm cho phong trào văn nghệ phát triển đúng hướng, chất lượng tác phẩm ngày càng cao và lực lượng ngày càng đông đảo sung sức”.
Nói đến việc thực hiện tập sách 40 năm, chặng đường xây dựng và phát triển của hội, là một quyết định đúng đắn của Thường trực Ban chấp hành hội, vừa tạo một dấu mốc lịch sử của hành trình văn học nghệ thuật tỉnh nhà, vừa tái hiện những sự kiện nổi bật, nghĩa tình của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý hội và lực lượng hội viên qua các thời kỳ. Hội từng chủ trì đầu tư và cho ra mắt các ấn phẩm các tuyển tập thơ văn 20 năm sau 1975, tuyển tập văn, tuyển tập thơ (định kỳ 5 năm), Bác Hồ với quê hương Bình Thuận (2010), tuyển tập Đêm Quỳnh Hương (văn-thơ nữ Bình Thuận), tập truyện Yên Hy Ba, Văn học kháng chiến Bình Thuận (2020), một số tuyển tập chuyên đề về nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu và hỗ trợ xuất bản cho hàng trăm tác phẩm văn học của hội viên. Tuy nhiên với tập kỷ niệm 40 năm này, cái khó nhất là vấn đề tư liệu bao gồm tư liệu về văn bản, văn kiện từ thời kỳ Ban vận động thành lập hội cho đến nay. Những bức ảnh đen trắng hiếm hoi, rất xưa sẽ mờ nét với thời gian, những hội viên thuộc thế hệ ban đầu nay cũng vào ngưỡng tuổi trên 60 hoặc đã khuất… Ý nghĩa giá trị về tính công phu, trung thực, trách nhiệm, tâm huyết để hoàn thành tập sách này được coi là khá đặc biệt. Có thể khái quát được nội dung qua bố cục: 1- Quá trình hình thành và phát triển. 2- Hoạt động các phân hội chuyên ngành và chi hội địa phương. 3- Hồi ức và tư liệu…là những thước phim sống động.
Do còn trong ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày hội ngộ kỷ niệm 40 năm thành lập Hội VHNT Bình Thuận chắc chắn khó thực hiện theo mong muốn của các thế hệ văn nghệ sĩ hội viên. Nhưng với tập sách này như một món quà tặng mà trong đó có nhiều nét chấm phá của mỗi người từng gắn bó với phong trào, với bước đường xây dựng, phát triển của hội sẽ là những cảm xúc ấm áp lẫn nỗi tự hào.