Theo dõi trên

50 năm đền ơn đáp nghĩa theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

24/07/2019, 16:29

BTO- "Uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" là đạo lý truyền thống trong đời sống văn hóa của người Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người… 50 năm trước, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra vô cùng ác liệt, trước lúc đi xa Người vẫn canh cánh trong lòng việc đền ơn đáp ngĩa đối với các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ khi đất nước đã hòa bình thống nhất.

Bí thư Tỉnh ủy đến thăm 1 gia đình chính sách. Ảnh: Thùy Linh

Trong Di chúc Người dặn: "Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...). Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".

Đất nước ta có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 13 vạn Mẹ Việt Nam anh hùng, 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trải dài từ Bắc chí Nam. Hàng năm cứ vào Ngày thương binh - liệt sĩ 27/7, hàng triệu ngọn nến tri ân lại tỏa sáng lung linh trong các nghĩa trang liệt sĩ cả nước, để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ lớp lớp cha ông đã chiến đấu hy sinh cho tổ quốc trường tồn. Biết bao hoạt động tri ân, "đền ơn đáp nghĩa" trong dịp kỷ niệm Ngày thương binh - liệt sĩ này đã sưởi ấm tấm lòng các gia đình chính sách.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh, ở Bình Thuận có 12.796 đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, 4.983 thương binh, 1.898 Mẹ Việt Nam anh hùng... Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với thực hiện chu đáo các chế độ, chính sách của Đảng - nhà nước với Thương binh, liệt sĩ, người có công, nhân dân Bình Thuận đã đóng góp tiền của, công sức xây dựng, sửa chữa hàng ngàn căn nhà cho người có công, quy tập hàng ngàn hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang. Phong trào "đền ơn đáp nghĩa" lan tỏa mạnh mẽ cả chiều rộng, bề sâu, khơi dậy truyền thống "uống nước nhớ nguồn", huy động được nguồn lực rất to lớn trong xã hội tự nguyện cùng Chính quyền chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước. Rất nhiều hành động thiết thực, ngĩa tình như: chăm sóc nghĩa trang, các phần mộ liệt sĩ, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi, khám chữa bệnh miễn phí cho gia đình chính sách, sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa... mà Đảng bộ, nhân dân Bình Thuận làm được trong những năm qua.

Cùng cả nước, Bình Thuận phấn đấu đến năm 2020 có 100% gia đình có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, như Chỉ thị 14 của Đảng đề ra. Hiện nay vẫn còn một bộ phận người có công đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nhiều hộ đang cần được hỗ trợ về nhà ở. Những lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào "đền ơn đáp ngĩa", huy động mọi nguồn lực chăm lo đời sống người có công với đất nước.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
50 năm đền ơn đáp nghĩa theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh