Theo dõi trên

6 năm thực hiện Chỉ thị 30 chống khai thác IUU: Nỗ lực cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” trong đợt thanh tra lần 5

15/04/2024, 05:10

Nếu giai đoạn 2011 - 2017, toàn tỉnh xảy ra 51 vụ/70 tàu cá/699 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, thì từ khi Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 16/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) ra đời đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 19 vụ/24 tàu cá/172 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng chức năng bắt giữ. Tuy tình trạng này chưa chấm dứt hoàn toàn, nhưng sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đã giúp ngư dân trong tỉnh có sự chuyển biến từ nhận thức thành hành động.

Có sự chuyển biến

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết 6 năm thực hiện Chỉ thị số 30 về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài diễn ra mới đây, các đại biểu đã ghi nhận Bình Thuận là tỉnh đầu tiên ban hành Chỉ thị 30 liên quan đến công tác chống khai thác IUU. Đặc biệt đã nhấn mạnh đến công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, qua từng năm, công tác này có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài giảm thiểu và bước đầu được ngăn chặn. Từ tháng 1/2018 đến tháng 2/2024, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ, giảm 32 vụ so với thời điểm trước, tập trung nhiều nhất ở thị xã La Gi (20 tàu), còn lại là Phú Quý, Hàm Tân và Tuy Phong. Việc xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài được thực hiện nghiêm túc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng của 7 tàu cá về hành vi đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác ở vùng biển nước ngoài với số tiền 85 triệu đồng/1 thuyền trưởng; UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 3 chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài với số tiền 900 triệu đồng/tàu cá.

cang-ca-la-gi-anh-ngoc-lan-.jpg
Tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm thiểu và bước đầu được ngăn chặn. Ảnh: N. Lân.

Bên cạnh hình thức xử phạt hành chính, các cơ quan chức năng tỉnh, các địa phương còn áp dụng hình thức phạt bổ sung như: Tước giấy phép khai thác thủy sản, đưa ra khỏi danh sách đăng ký hoạt động vùng biển xa, dừng việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức kiểm điểm chủ tàu cá, thuyền trưởng vi phạm trước cộng đồng dân cư… Bên cạnh đó, từ năm 2018 - 2023, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm trong hoạt động thủy sản, nhất là các vi phạm về IUU 3.346 vụ với số tiền hơn 24 tỷ đồng, trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử lý 846 trường hợp vi phạm với số tiền 2,79 tỷ đồng; Chi cục Thủy sản xử phạt 2.500 vụ với số tiền 21,2 tỷ đồng.

z5281841666527_ef101fe3a6177056ffbbcfa9fde7aed7.jpg
Lực lượng chức năng đã xử phạt hàng trăm vi phạm trong hoạt động thủy sản, nhất là các vi phạm về IUU.

Đây là nhiệm vụ cấp bách, liên tục

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cho rằng: Công tác quản lý trên biển, kiểm soát đội tàu đánh bắt xa bờ còn nhiều khó khăn, do đó tình trạng tàu cá và ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, thu mua hải sản trái phép bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tuy đã giảm sâu, nhưng vẫn còn xảy ra. Vì vậy, các sở, ban, ngành, địa phương có biển phải quyết liệt hơn, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này, đặc biệt là trong thời gian cao điểm Đoàn EC kiểm tra lần 5 tại Việt Nam. Phát hiện kịp thời, ngăn chặn từ sớm, từ xa đối với các hành vi đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Tiếp tục điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ, xử lý hành vi của các tổ chức, cá nhân có các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép.

tau-thuyen-danh-bat-hai-san-o-phan-thiet-anh-n.-lan-5-.jpg
Tích cực tuyên truyền cho ngư dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật (ảnh: N. Lân)

Với những kết quả đạt được, tại hội nghị Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh: Các cơ quan chức năng phải huy động mọi nguồn lực, khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn kiểm tra EC chỉ ra tại lần kiểm tra thứ 4. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để làm việc với Đoàn thanh tra EC sang kiểm tra lần thứ 5 vào quý II/2024. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục ngư dân (chủ tàu và gia đình lao động biển), nhằm tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, cam kết không vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.

bo-doi-bien-phong-tuan-tra-tuyen-truyen-phong-chong-dich-covid-19-voi-cac-thuyen-vien-khi-tau-thuyen-vao-neo-dau-tai-cang-ca-phan-thiet-anh-nl-3-.jpg
Lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân (ảnh: N. Lân)

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương, cơ quan chức năng cần kịp thời khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt các biện pháp chống khai thác IUU. Từ đó, tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả việc thực hiện IUU. Đồng thời, tạo điều kiện tái cơ cấu ngành thủy sản, trước mắt là tái cơ cấu đội tàu xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển ở những nơi có điều kiện, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48, Nghị định 67 của Chính phủ. Các địa phương phải nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền cho chủ trương những công việc cấp bách như: nạo vét luồng lạch, hạ tầng cảng cá; tiếp tục kiến nghị Trung ương hỗ trợ và tranh thủ các nguồn vốn khác, sớm triển khai đầu tư các khu tránh trú bão kết hợp cảng cá. Xây dựng, bổ sung quy chế phối hợp giữa tỉnh Bình Thuận với các địa phương có liên quan và với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm của tàu cá hoạt động ngoài địa bàn tỉnh và tại các vùng biển biên giới có sự chồng lấn để hỗ trợ, tạo sự an toàn cho ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cần quan tâm chủ động chăm lo, xây dựng sinh kế bền vững cho ngư dân…

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh đã yêu cầu: Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan tiếp tục trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU, phải xem nhiệm vụ này là cấp bách, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chống khai thác IUU: Lần thứ 5 sẽ là thời điểm quyết định để gỡ “thẻ vàng”
Đầu tháng 2/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã chủ trì cuộc họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
6 năm thực hiện Chỉ thị 30 chống khai thác IUU: Nỗ lực cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” trong đợt thanh tra lần 5