Năm 2015, Công ty Điện lực Bình Thuận đã tiếp nhận lưới điện nông thôn ở các huyện của tỉnh Bình Thuận. Lưới điện nông thôn trước khi bàn giao cho Công ty Điện lực Bình Thuận hầu như bị xuống cấp gây mất an toàn cho người sử dụng và tổn thất điện năng tăng cao. Trước thực trạng trên, Công ty Điện lực Bình Thuận đã đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa kịp thời, quản lý, vận hành tốt nên chất lượng điện đã được cải thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh. Người dân nông thôn được trực tiếp mua điện với giá của Chính phủ quy định; giảm được các khoản chi phí hàng năm, đồng thời giảm thiểu tình trạng tai nạn điện trong dân do hệ thống lưới điện được đầu tư cải tạo, nâng cấp đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Tuy nhiên trong quá trình sử dụng điện lưới sau công-tơ thuộc tài sản khách hàng đầu tư vẫn còn một số trường hợp mất an toàn ảnh hưởng đến sản xuất và tính mạng của con người như:
Phần dâysau công-tơ thuộc tài sản và trách nhiệm đầu tư của hộ sử dụng điện, song người dân chưa quan tâm cải tạo, thay thế. Nhiều hộ vẫn sử dụng dây điện cũ, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Hệ thống dây dẫn phục vụ cho công việc tưới tiêu nhiều nơi, đường dây điện được giăng mắc ngay sát mái nhà, dễ gây ra chập điện, cháy, nổ. Thậm chí, một số hộ dân kéo điện vượt qua cả lộ, kênh, mương, chỉ bằng những trụ tre tạm bợ, không an toàn, dây điện rất gần với mặt nước. Hệ thống máy bơm nước không tiếp đất vỏ máy bơm đúng theo quy định kỹ thuật.
Việc chong đèn thanh long dùng kim băng ghim vào dây điện để đấu nối giữa dây dẫn với bóng đèn chong thanh long. Mặc dù ngành điện đã từng phổ biến cần phải sử dụng mối nối an toàn nhưng người dân chưa sử dụng nhiều vào việc đấu nối nên việc mất an toàn vẫn đang rình rập thỉnh thoảng xảy ra vài trường hợp tai nạn cho người dân bị điện giật.
Bên cạnh đó người dân còn dùng điện lưới trực tiếp chích cá ở các ao, ruộng nơi có đường dây hạ thế đi ngang qua hoặc sau phần công tơ của hộ sử dụng điện.
Tuy lưới điện đã được cải tạo đáp ứng được việc cung cấp điện an toàn liên tục nhưng vẫn có những vị trí có nguy cơ gây mất an toàn do người dân gây ra gần đường dây như: Trồng cây xanh, xây dựng nhà,... vi phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn còn.
Để đảm bảo an toàn trong sản xuất và sinh hoạt của người dân. Việc sử dụng điện ở vùng nông thôn là một vấn đề cần thiết, nhưng việc sử dụng điện an toàn là vấn đề cần phải đặt lên hàng đầu. Nhằm đảm bảo việc cung cấp điện được an toàn và không gây nguy hiểm cho người sử dụng, người dân nên thực hiện đúng kỹ thuật và đảm bảo an toàn phần dây sau công-tơ thuộc tài sản khách hàng tự đầu tư như sau: Các dây dẫn sau công-tơ khách hàng phải bảo đảm chất lượng, đúng quy định của ngành điện. Phần dây sau công-tơ phải sử dụng dây nhiều sợi bọc cách điện hoặc cáp điện đáp ứng cho công suất phụ tải cần sử dụng. Cải tạo, thay thế dây điện cũ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Hệ thống dây dẫn phục vụ cho công việc tưới tiêu là dây dẫn phải được lắp trên sứ cách điện có xà đỡ sứ; Cột điện có thể là cột bê tông vuông, bê tông li tâm ..., không mắc dây trên cây xanh, gá lên mái nhà. Nối dây phải bằng nối ép hoặc mối nối dây an toàn. Hệ thống máy bơm nước phải tiếp đất vỏ máy bơm đúng theo quy định kỹ thuật hoặc của nhà chế tạo và đặt nơi cao ráo chắc chắn.
Khi xây dựng hoặc cơi nới nhà cửa phải có sự cấp phép của các cơ quan chức năng; không tự ý xây nhà, cơi nới nhà dưới đường dây điện hay trồng cây xanh gần đường dây điện hoặc chặt cây làm ngã đỗ vào đường dây. Phải thỏa thuận với Điện lực địa phương để đảm bảo các biện pháp an toàn về điện trước khi thực hiện.
Trong thời gian qua đã xảy ra một số trường hợp tai nạn điện trong nhân dân do sử dụng điện không an toàn. Vì vậy, để bảo đảm an toàn lưới điện nông thôn, người sử dụng cần nâng cao nhận thức, chấp hành đúng các quy định của ngành điện.
H.Quang – Tr. Danh