Nghiệm thu giàn giáo, cốp-pha còn mang tính hình thức. |
Thanh tra 7 doanh nghiệp
Trong tháng 3, Thanh tra Sở Lao động - TB&XH phối hợp các cơ quan liên quan, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Phòng Lao động-TBXH các huyện, thị xã, thành phố thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ tại 7 doanh nghiệp trong tỉnh. Vào thời điểm thanh tra, 6 doanh nghiệp có công trình xây dựng đang thi công một số dự án trị giá từ 5 đến 10 tỷ đồng. Chỉ 1 doanh nghiệp có công trình lớn nhất là dự án nhà ở xã hội, gồm 2 tòa nhà chung cư cao tầng. Về quy mô lao động, có 4 doanh nghiệp nhỏ có từ 27 đến 86 lao động hợp đồng từ 12 tháng trở lên, 3 doanh nghiệp quy mô vừa, có số lao động hợp đồng trên 12 tháng từ 109 đến 395 người. Tổng số lao động đang làm việc tại 7 doanh nghiệp và công trình là 1.259 người.
Qua thanh tra cho thấy, các doanh nghiệp đã lập kế hoạch, tổ chức huấn luyện và cử cán bộ đi học ATVSLĐ. Các doanh nghiệp thực hiện tự kiểm tra an toàn, kiểm định máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt và thường xuyên kiểm tra về ATVSLĐ trong thi công. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng đủ quy trình làm việc, biện pháp an toàn đối với thiết bị và hạng mục công việc có yếu tố nguy hiểm. Đoàn thanh tra đã phát hiện yếu tố nguy hiểm là có đường điện dây trần phía trên khu vực thi công, nhưng hồ sơ thi công chưa lập biện pháp an toàn tại dự án công trình thi công cầu Phú Khánh, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam. Việc nghiệm thu giàn giáo trước khi đưa vào sử dụng, nghiệm thu cốp-pha trước khi đổ bê tông tuy đã được thực hiện nhưng còn hình thức. Không chỉ vậy, hiện tượng cắm dây trực tiếp vào ổ điện (thiếu phích cắm cho thiết bị sử dụng điện) xảy ra ở nhiều doanh nghiệp.
Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm
Để phấn đấu đạt mục tiêu giảm tần suất tai nạn lao động hàng năm và không có tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra, thời gian tới Sở Lao động, TB&XH sẽ tăng cường tuyên truyền công tác ATVSLĐ cho ít nhất 60% doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào các doanh nghiệp ngành xây dựng, khai khoáng, điện, gas, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và máy móc cơ khí trong nông nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp phải từng bước đổi mới thiết bị, công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ – phòng chống cháy nổ hàng năm theo quy định của pháp luật. Phát động rộng rãi phong trào quần chúng tham gia các hoạt động đảm bảo ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ như: Xây dựng góc bảo hộ lao động, tổ chức các cuộc thi tranh, áp - phích, ảnh, thi an toàn vệ sinh viên giỏi, thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ, tự kiểm tra giám sát điều kiện lao động. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ. Tăng cường củng cố đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ATVSLĐ tại các đơn vị nhằm giúp cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công tác này.
Theo thống kê của Sở Lao động-TB&XH, từ năm 2011 đến 2015, toàn tỉnh có 168 vụ tai nạn lao động làm 172 người bị nạn (27 vụ có người chết). Tổng số người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp được cộng dồn qua các năm: Bệnh điếc nghề nghiệp là 32 trường hợp, bệnh bụi phổi silic là 17 trường hợp, đã được khám bệnh nghề nghiệp và lập hồ sơ theo dõi riêng cho từng trường hợp. Các vụ tai nạn lao động chủ yếu trong các ngành xây dựng, điện, khai khoáng, xây lắp. |
THU HÀ