Theo dõi trên

Ấn tượng của du khách trước vẻ đẹp độc đáo của Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy

31/08/2023, 05:55

Du khách đến Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận ở rừng Sa Loun (Sa Lôn), xã vùng cao Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc rất ấn tượng trước vẻ đẹp độc đáo và mang tính giáo dục cao về bảo vệ thiên nhiên.

untitled-1.jpg
Toàn cảnh khu di tích từ trên cao.

Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Khu di tích được bao phủ bởi rừng rậm nguyên sinh nhiều lớp dày đặc, khiến cho máy bay của địch không thể phát hiện. Chính vì thế, chủ trương của Bình Thuận khi xây dựng lại Khu di tích phải giữ nét nguyên thủy ấy, không vượt ra ngoài lằn ranh quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Toàn Khu di tích rộng hơn 10 ha có nhà tưởng niệm - trưng bày, đài tưởng niệm, chòi nghỉ chân, hệ thống đường giao thông nội bộ... Đặc biệt, cổng vào có nhiều cây rừng sừng sững như những “chiến sĩ” canh gác bảo vệ chặt chẽ khu di tích – cơ quan đầu não một thời trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

image-3-(1).png

Nhìn từ trên cao, Khu di tích là một quần thể với mái ngói đỏ tươi lọt thỏm giữa rừng nguyên sinh Sa Lôn. Cho đến nay hơn nửa năm kể từ ngày khánh thành (2/2/2023) Khu di tích đã thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dâng hương, hoa tỏ lòng biết ơn công lao các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

z4572448931995_7eae4bd494efb0f8ed04ad50b54085fc.jpg
Du khách thích thú chụp hình trong rừng cây

Phần nhiều trong số họ lần đầu tiên đặt chân đến và ngay cả đã tới nhiều lần đều ngỡ ngàng, thích thú cảnh quan của di tích. “Tôi không nghĩ ở Bình Thuận còn có rừng nguyên sinh đẹp thế này. Nhiều cây to cao tạo cho khu di tích có nét đẹp độc đáo”, anh Tú một du khách ở TP.HCM tham quan khu di tích trải lòng trước rừng cây to ở cổng vào Khu di tích. Với Bích Trâm - cán bộ Học viện Tư pháp đến Đông Giang tặng quà cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, nhân tiện viếng thăm khu di tích chia sẻ: “Ấn tượng nhất khi vào gần khu di tích thấy cây rừng giăng ngang lối như đang đón chào mình... Trâm cũng nhận định việc xây dựng lại khu di tích chắc phải dày công, nếu không sẽ ảnh hưởng đến cây rừng. Và cho rằng, đây là nơi về nguồn lý tưởng, không chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mà còn dạy họ biết bảo vệ rừng, yêu thiên nhiên.

duong-vao-sa-lon.jpg

Điều Trâm nói gợi lại cho chúng tôi nhớ đến những lần đưa tin các hoạt động về nguồn của các sở, ngành… với nhiều câu hỏi tại sao không chặt cây rừng để mở đường cho thẳng và rộng. Một số người trong số giải thích ngắn gọn: “Do rừng nguyên sinh nên chặt một cây cũng phải xin ý kiến của Trung ương...”. Bởi trước đó vào tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng; và còn nhiều văn bản, chỉ thị khác về bảo vệ rừng.

Câu trả lời ấy còn được người trong cuộc, góp nhiều công sức xây dựng khu di tích bổ sung thêm. Ông Phan Đình Châm, Giám đốc Công ty Xây dựng Phan Đình – đơn vị thi công Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận nhớ lại những ngày tháng đồng hành cùng với Ban điều hành và công nhân công trình thông tin, Khu di tích Tỉnh ủy Bình Thuận là công trình trọng điểm của Bình Thuận. Khác với những công trình khác, công trình này đòi hỏi không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xây dựng và hồ sơ thiết kế, kiến trúc phù hợp với cảnh quan, gần gũi với thiên nhiên và văn hóa truyền thống kháng chiến mà còn tuân thủ các quy định bảo vệ rừng.

“Khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh giao mặt bằng, có sự chứng kiến của các bên khảo sát thiết kế. Ban Quản lý rừng, đánh dấu mốc sơn, tạo lằn ranh đỏ hai bên đường hoặc khu vực nào được phép thi công thì chúng tôi giăng dây làm chỗ đó, đảm bảo đúng diện tích, đường ranh, mốc khu vực được giao. Hạn chế tối đa ảnh hưởng cảnh quan tự nhiên của rừng, nghĩa là giữ nguyên hiện trạng rừng, tuyệt đối không xâm hại cây rừng. Cho nên công trình khi hoàn thành vẫn giữ nguyên vẹn hiện trạng của rừng, làm tăng vẻ đẹp tự nhiên khu di tích”, ông Châm chia sẻ thêm sau khi công trình hoàn thành để lại ấn tượng tốt trong lòng người đến tham quan.

Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy có vẻ đẹp độc đáo là vậy. Và hơn thế nơi đây không chỉ có ý nghĩa giáo dục cao về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, mà còn giáo dục thế hệ trẻ về bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.

NINH CHINH


(1) Bình luận
Bài liên quan
Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy: Giữ gìn và giáo dục truyền thống cách mạng thế hệ trẻ
Qua 5 tháng đi vào hoạt động, bộ máy Ban Quản lý Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ (gọi là Khu di tích) bước đầu hoạt động tương đối tốt. Khu di tích (KDT) trở thành địa chỉ đỏ để tổ chức các hoạt động về nguồn, đồng thời là điểm đến hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, du khách trong tỉnh.
Nổi bật
Những cánh diều xuân rực rỡ trên biển Hàm Tiến – Mũi Né
BTO-Những ngày này, khi gió bấc thổi mạnh và trời trong xanh, bãi biển Hàm Tiến- Mũi Né, thành phố Phan Thiết thu hút rất đông du khách quốc tế yêu thích bộ môn lướt ván diều đến vui chơi, trải nghiệm cùng sóng và gió. Hàng trăm cánh diều sặc sỡ sắc màu tràn ngập không gian bãi biển.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn tượng của du khách trước vẻ đẹp độc đáo của Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy