Theo dõi trên

Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt - từ hình tượng đến tượng đài

01/05/2018, 10:04

BT- Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, người dân Phan Thiết và du khách có dịp nhìn ngắm và thưởng lãm tượng đài vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt ở ngay trung tâm Khu Đô thị du lịch biển Phan Thiết của Tập đoàn Rạng Đông xây dựng. Đây là lần đầu tiên tượng đài Lý Thường Kiệt được xây dựng ở khu vực phía Nam. Cũng như nhiều người khác, tôi cảm nhận rằng đây là một việc làm đáng trân trọng không phải chỉ của Tập đoàn Rạng Đông mà còn cho tất cả con cháu Việt nhiều đời ở Bình Thuận và còn ở cả phương Nam.

Về văn hóa, trên lĩnh vực tượng đài đặt ngoài trời thì trước giải phóng (1975) ở Bình Thuận chỉ có cụm tượng đài Trần Hưng Đạo. Sau giải phóng chúng ta có tượng đài Bác Hồ ở khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh và tượng đài Chiến thắng là những công trình có tầm vóc lớn. Ngoài ra, còn một số tượng khác ở mức độ nhỏ hơn ở các địa phương. 

Về lịch sử dân tộc, chúng ta biết đến Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) là nhà quân sự, nhà chính trị thời nhà Lý nước Đại Việt. Ngài đã từng làm quan qua 3 triều vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Những chiến công nổi bật với việc chinh phạt Chiêm Thành (1069), đánh phá 3 châu Khâm, Ung, Liêm vào sâu trong lãnh thổ nước Tống  (1075 -1076), rồi đánh bại cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy (1077). Ngài đã làm tể tướng hai lần dưới thời Lý Nhân Tông và là một trong 3 người phụ chính khi vua còn nhỏ tuổi.

Lịch sử nước nhà các đời sau nhận xét: Lý Thường Kiệt là nhà quân sự, chính trị kiệt xuất, có tài thao lược lỗi lạc, có công “Phá Tống bình Chiêm”, đặc biệt là đánh bại hoàn toàn quân xâm lược nhà Tống (1075 - 1077) trên sông Như Nguyệt. Vào thế kỷ XI, cuộc kháng chiến chống Tống của quân và dân Đại Việt, dưới thời Vương triều Lý, là cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, đỉnh cao là trận quyết chiến mang tính chiến lược mà Thái úy Việt quốc công Lý Thường Kiệt đã lập phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) vào mùa xuân 1077 để ngăn chặn quân giặc. Đây là phòng tuyến chiến lược, dựa vào thế núi, sông, đồng trũng, ruộng lầy kéo dài hơn 10 km đường đê qua các xã Tam Giang, Tam Đa, huyện Yên Phong đến Thị Cầu (Bắc Ninh) để chặn đứng 30 vạn quân xâm lược của nhà Tống. Phòng tuyến sông Như Nguyệt cũng là nơi bài thơ “Nam quốc sơn hà” - bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam ra đời, mở màn một thời kỳ thịnh trị, tự chủ của nước Việt. Ông cũng là một trong những 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.

Vì vậy, việc lập tượng anh hùng Lý Thường Kiệt tại phố biển Rạng Đông Phan Thiết có nhiều ý nghĩa. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật, mỹ thuật tượng đài Lý Thường Kiệt của TS. điêu khắc gia Trần Thanh Nam (Công ty TNHH Mỹ thuật Lam Giang TP. HCM). Đây là mẫu phác thảo thứ 7 được Hội đồng nghệ thuật của tỉnh chọn cả về bố cục tổng thể, chi tiết, các mảng khối âm dương và tỷ lệ đều rất hoàn chỉnh từ dáng đứng, tay phải chỉ về phía trước cho đến đường nét khuôn mặt, mão cánh chuồn, áo giáp, gươm và các họa tiết hoa văn trang trí ở từng bộ phận trên thân tượng đều hài hòa, phù hợp với hoa văn thời Lý. Kích thước, tỉ lệ của tượng đài Lý Thường Kiệt (bệ tượng cao 7,3m và tượng cao 4,5m).

Khắc phục một số tượng đài trước đây không ghi tên tuổi nên nhiều người không biết tượng của ai (như trường hợp tượng đài Trần Hưng Đạo ở Phan Thiết). Tượng đài Lý Thường Kiệt lần này ghi đầy đủ tên, tuổi và đặc biệt còn khắc ghi bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà” - bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam ở những mặt bên cạnh. Mẫu tượng đài hiện nay ở Khu Đô thị du lịch biển Phan Thiết làm bằng chất liệu Composite. Tượng chính làm bằng đồng nguyên khối sẽ được dựng trong thời gian tới.

Việc xây dựng tượng đài Lý Thường Kiệt trong Khu Đô thị du lịch biển Phan Thiết là việc làm có nhiều ý nghĩa để tri ân và khắc ghi công lao của vị anh hùng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc theo đạo lý và văn hóa dân tộc. Đồng thời, đây cũng là công trình văn hóa, mỹ thuật có nhiều giá trị, ý nghĩa lịch sử phục vụ nhu cầu chiêm ngưỡng và giáo dục truyền thống cho các thế hệ người dân địa phương và du khách về lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm giữ nước của tổ tiên.

Nguyễn Xuân Lý



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
BTO-Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều nay 28/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường Diên Hồng, nghe cơ quan soạn thảo và thẩm tra báo cáo về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại Tổ 15.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt - từ hình tượng đến tượng đài