Hàng may mặc được kỳ vọng đóng góp kim ngạch nhiều nhất trong xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận. |
Thế nên bước vào năm mới hướng tới chỉ tiêu cao hơn, ngành rất kỳ vọng hàng may mặc tiếp tục đóng góp kim ngạch xuất khẩu nhiều nhất với 210 triệu USD, còn hàng thủy sản gánh vác 140 triệu USD và giày dép các loại là 77,5 triệu USD. Ngoài ra địa phương cũng hy vọng trong năm 2020, nhóm hàng nông sản sẽ hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu 11,3 triệu USD (riêng thanh long và rau quả nỗ lực thực hiện 7 triệu USD), hàng hóa khác là 57,5 triệu USD...
Cũng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hiện thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của Bình Thuận là khu vực châu Á đã giảm hơn 7% so cùng kỳ năm trước với kim ngạch ước đạt 81,64 triệu USD. Trong đó thị trường Đông Á đạt 78,78 triệu USD (giảm 5,37%), thị trường Tây Á đạt 1,76 triệu USD (giảm 23,14%), thị trường Trung Nam Á đạt 0,31 triệu USD (giảm 48,21%), thị trường Đông Nam Á đạt 0,79 triệu USD (giảm 56,28%)… |
Kỳ vọng là vậy, nhưng do đại dịch Covid - 19 bất ngờ bùng phát và diễn biến khó lường nên tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận trong thời gian gần đây. Tình hình thực tế cho thấy qua 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh ước thực hiện 128,61 triệu USD, giảm 3,92% so cùng kỳ năm ngoái. Theo đó cả 3 nhóm hàng chủ lực đều giảm so cùng kỳ: Nhóm hàng thủy sản ước đạt 37,5 triệu USD (giảm 4,44%), nhóm hàng nông sản đạt khoảng 2,84 triệu USD (giảm 21,79%) và nhóm hàng hóa khác ước đạt 88,3 triệu USD (giảm 2,98%).
Đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Bình Thuận cũng đối diện thách thức không nhỏ, như kim ngạch hàng may mặc qua 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 56,8 triệu USD, giảm 1,23% so cùng kỳ. Được biết hàng may mặc xuất sang Nhật Bản là chủ yếu, tuy nhiên hiện thị trường này đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, vì vậy việc xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn. Còn với hàng giày dép các loại, đến nay tham gia xuất khẩu chỉ đạt khoảng 15,9 triệu USD (giảm 13,73%), riêng hàng thủy sản qua 4 tháng ước thực hiện 37,5 triệu USD (giảm 4,44%).
Cùng thời gian, hàng hóa của tỉnh xuất sang thị trường châu Mỹ ước đạt 19,76 triệu USD, con số này so cùng kỳ năm ngoái thể hiện mức giảm hơn 20%. Dù vậy “điểm sáng” trong xuất khẩu hàng hóa lại là thị trường châu Âu với kim ngạch ước đạt 19,18 triệu USD (tăng 42,25% so cùng kỳ), trong đó thị trường Tây Âu đạt 13,22 triệu USD (tăng gần 90%)…
Theo dự báo trong quý II/2020, doanh nghiệp trên địa bàn Bình Thuận bắt đầu gặp khó về nguyên liệu sản xuất đầu vào lẫn thị trường xuất khẩu, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm giày da, may mặc, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ, nông sản, thủy sản… Trước tình hình này, có thể xảy ra trường hợp doanh nghiệp buộc phải cắt giảm một phần lao động nếu bị giảm đơn hàng xuất khẩu so cùng kỳ, do đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2020 với tổng kim ngạch đặt ra gần 500 triệu USD.
Tháng 4, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm sâu Trong giai đoạn cao điểm của dịch, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều diễn ra rất chậm và giảm mạnh mà chủ yếu là do lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại. Mặt khác do thiếu nhân lực và thủ tục thông quan kéo dài vì phải tuân thủ các quy định về kiểm soát dịch bệnh, nên kim ngạch xuất khẩu trong tháng vừa qua đã giảm sâu. Cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận trong tháng 4/2020 ước chỉ đạt 22,8 triệu USD, giảm 42,61% so tháng trước và giảm 36,52% so tháng cùng kỳ năm 2019. |
Đ.QUỐC