Những cửa hàng thời trang luôn đông vui nhất. Người ta nhẫn nại chờ tới lượt tính tiền, tìm giúp nhau bộ quần áo, đôi giày mới hợp với sở thích, thời trang. Tiếng sột soạt, mùi vải mới khiến những đứa trẻ lâng lâng vui sướng. Tôi bắt gặp ánh mắt thích thú khi thằng bé cứ mân mê tà áo phía trước, rồi vuốt nhẹ hình con rồng được in nổi trên từng sợi vải. Phải nói đến lần thứ 3 nó mới nghe, chịu cởi chiếc áo dài ra tính tiền, kèm theo những lời dặn dò kiểu trẻ con. Thì ra, ở thế hệ nào cũng vậy, tết với tụi nhỏ không phải là lì xì, là ăn ngon, mà gói gọn đơn giản trong những bộ quần áo mới. Đó như một cột mốc, một lời hẹn ước cho mùa xuân đang gần kề.
Lại nhớ ngày còn bé, chỉ khi đến đầu năm học và dịp tết mới được cha mẹ mua cho một “bộ cánh” mới. Mỗi lần như vậy, tôi rất vui sướng, nhảy nhót ra đón khi thấy bóng mẹ đi chợ sắm đồ về từ xa. Thường là chiếc áo sơ mi hoa cổ tròn, chiếc quần màu xanh đen. Những mẫu quần áo thông dụng mặc được vào dịp đầu năm rồi kéo sang ngày sau khi tới trường. Nhưng vẫn cứ tò mò, hồi hộp khi nghĩ về kiểu dáng, màu sắc của bộ đồ mới mình được nhận. Chỉ ướm thử đúng một lần, rồi cẩn thận xếp, nâng niu nhẹ nhàng đặt vào góc tủ, chờ tới sáng mùng 1 để được mặc đi chúc tết ông bà, người thân. Khi ấy chúng tôi còn quá nhỏ để biết rằng, chiếc áo mới là bao ngày chắt góp, tằn tiện của mẹ, của những giọt mồ hôi cha rơi trên ruộng nương mỗi sớm mùa đông...
Qua bao mùa tết, qua bao nhiêu ước mơ, ký ức tuổi thơ năm nào tiếp tục vun đắp cho tâm hồn tôi những niềm vui con trẻ. Hình như tôi cũng men theo đó mà lớn lên, trưởng thành. Để rồi chiều nay, đi giữa dòng người ngược xuôi tấp nập, nghe tiếng các bà, các mẹ chọn lựa, bàn chuyện áo váy, lòng chợt bồi hồi nhớ chiếc áo tết năm cũ, nhớ lời nhắn mùa xuân những ngày thơ dại, tết lại về đón hơi ấm sum vầy.
Thục Anh