Theo dõi trên

“ATM gạo” nở rộ

28/04/2020, 14:30

BT- Xuất phát từ ý tưởng của một cá nhân ở TP. Hồ Chí Minh làm “ATM gạo” cho người nghèo, mô hình hay và tiện ích này chỉ sau 2 ngày đã có mặt tại Bình Thuận.

Trụ “ATM gạo” tại Mũi Né do một người con Bình Thuận sống ở TP. Hồ Chí Minh thi công và tài trợ gạo, đã nhanh chóng và kịp thời giúp đỡ bà con khó khăn của phường. Từ hiệu quả và ý nghĩa của “ATM gạo” đã thôi thúc sự mày mò, nghiên cứu của những “kỹ sư” chân đất. Và rồi những trụ “ATM gạo” tiếp theo mọc lên ở các phường tại TP. Phan Thiết như Hàm Tiến, Đức Nghĩa… sau đó lan tỏa đến thị xã La Gi. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 6 “ATM gạo” chia sẻ với người nghèo. Nếu thị trường có bán trụ “ATM gạo”, có lẽ sẽ được nhiều người mua để làm việc thiện nguyện nhưng làm sao có được bởi “ATM gạo” xuất hiện trong trường hợp gọi là “cái khó, ló cái không” và ai cũng có thể “chế” ra được trụ “ATM gạo”.

                
   Người dân đến nhận gạo tại trụ “ATM gạo”    được đặt tại Tỉnh đoàn.

 Chứng kiến một Phó Bí thư Tỉnh đoàn ăn vội hộp cơm lúc 13 giờ, một hiệu trưởng của trường đại học cởi trần để hàn, nối trụ “ATM gạo”  mà quên đi buổi cơm trưa, một giám đốc công ty hì hục bốc vác gạo… mới thấy hết được cái tình của họ đối với người nghèo. Từ phần cảm biến, kỹ thuật và lập trình để số lượng gạo nhả ra theo ý muốn thì mỗi trụ “ATM gạo” đều cần chỗ chứa, ít nhất là 500 kg. Từ những tấm tôn, nhựa, tẹc nước đều được các anh tận dụng để tạo ra một “ATM gạo” vận hành trơn tru, được đặt tại Tỉnh đoàn Bình Thuận.

Thiết kế “ATM gạo” đã khó, việc vận hành và cách thức để gạo đến được với những hộ nghèo cũng không phải chuyện dễ. Trong lúc khó khăn ấy, nhiều lực lượng bảo vệ dân phố, công an và đặc biệt là đoàn viên thanh niên luôn túc trực, hướng dẫn cho bà con nhận gạo một cách nhanh nhất, đảm bảo các yếu tố phòng chống dịch. Một điều đắn đo của nhiều địa phương trước khi lắp đặt trụ “ATM gạo” chính là việc duy trì nó trong thời gian bao lâu chứ không phải làm theo phong trào lửa rơm, “đánh trống bỏ dùi”. Trong hoàn cảnh ấy, lại xuất hiện nhiều mạnh thường quân như anh Phạm Hoàng Sơn – Công ty Điện lực Bình Thuận, anh Võ Ngọc Vũ TP. Hồ Chí Minh, anh Đỗ Khắc Đông Phương (quê Bình Thuận), chị Huỳnh Thị Châu ở thị xã La Gi… đã không ngần ngại, đắn đo ủng hộ hàng ngàn kg gạo; hàng chục, hàng trăm mạnh thường quân khác âm thầm và lặng lẽ đến ủng hộ, người thì nước sát khuẩn, người thì khẩu trang, người thì những thứ rau củ… Có những người, dù không đóng góp vật chất nhiều nhưng họ góp sức kêu gọi, vận động và kết nối mạnh thường quân như chị Đặng Thị Kim Oanh, chị Hà Thị Thu Thủy, Hội Thiện nguyện Phan Thiết… để mang những phần quà ấm áp tình người đến với người khó khăn cần được giúp đỡ.

Dịch Covid-19 đang dần được khống chế nhưng những khó khăn của người dân sẽ còn đó. Do vậy “ATM gạo” nở rộ là tín hiệu đáng mừng và trân quý biết bao, đây chính là sự nở rộ từ tâm trong mỗi người. Chính sự nở rộ tấm lòng thiện nguyện trong mỗi chúng ta sẽ đem đến những hương vị ngọt ngào trong cuộc sống. Nó sẽ được cộng hưởng vào sự nở rộ của “ATM gạo” lan tỏa và bay xa.

HỒng Châu 



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lãnh đạo tỉnh viếng 12 liệt sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ
BTO - Sáng 8/12, tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam , Quân khu 7 tổ chức lễ tang 12 chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 17, Sư đoàn 5, hy sinh ngày 2/12 khi tham gia diễn tập tác chiến phòng thủ, theo nghi thức quân đội. Đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận do đồng chí Đặng Hồng Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dẫn đầu đã tham dự lễ viếng và truy điệu 12 liệt sĩ.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“ATM gạo” nở rộ