Theo dõi trên

Ba mươi năm đi tìm người thân

27/05/2016, 08:57

- Nhà con ở đâu để đưa xác ba về?

- Con có nhà mà hổng biết… đường về…

Chị nghẹn ngào kể lại nguyên văn mấy câu hỏi đáp trong bệnh viện còn in khắc mồn một trong tâm khảm rồi đưa khăn lau nước mắt. Cuộc đời đã lấy đi của chị tất cả những gì phải có, đáng có của một con người: Mẹ, cha, em trai, tên tuổi, thời thơ ấu, nhà cửa… Chị bị ném vào đời như đột ngột bị ném vào cơn giông gió, bơ vơ, cô lạnh, lạc loài. Và rồi hành trình sống quặn thắt, đớn đau của chị lại chính là hành trình ngược tìm nguồn gốc của mình.

Mất họ tên, mất người thân

Trên giấy khai sinh hiện nay, chị tên là Hoàng Thị Thu Xuân, là cán bộ Chi cục Thuế Hàm Thuận Nam. Đó là họ tên do bà sơ Anna Hồng Liên, Cô nhi viện Phan Rang, đặt cho. Khi đặt tên, sơ không nhìn thẻ căn cước của cha trong hồ sơ, chỉ thích họ Hoàng rồi ghi vào giấy khai sinh, còn tên thì chọn hai cái tên gần giống nhau để hai chị em không lạc nhau, chị Thu Xuân, em trai Xuân Thu. Cả ngày tháng năm sinh của hai chị em cũng do bà sơ tự ước chừng, tự nghĩ ra.

         
   

         

            Chị Xuân (thứ ba từ trái sang) trong chương trình “Như chưa hề có    cuộc chia ly”.

Trong một buổi chiều đầu hè oi bức, chị kể với tôi về hành trình cuộc đời mình mà phải đến hơn năm mươi tuổi, với bao nhiêu mò mẫm tìm kiếm, nhờ vào sự cộng sức nhiệt tâm của nhà báo Thu Uyên, đội trưởng Phong và các cộng tác viên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, chị mới xâu chuỗi được:

…Chuyện bắt đầu từ Buôn Mê Thuột, là nơi mẹ và ba gặp nhau, sinh ra hai chị em. Mẹ gốc Huế, đã có một đời chồng nhưng do bị bạo hành gia đình nên bỏ trốn. Ba từ Nha Trang dẫn hai con gái lên vùng đất này đạp xích lô kiếm sống. Ba mẹ gặp nhau và ăn ở với nhau mà thành gia đình chứ không cưới hỏi gì… Cả nhà (gồm cả hai người chị con riêng của ba) tá túc phía sau một ngôi chùa, ba ngày ngày đạp xích lô, mẹ bán bánh bèo nuôi mấy chị em…

…Mẹ đang có bầu đứa em thứ ba được 3 tháng thì mất do bệnh sốt ác tính, là theo lời hai người chị cùng cha khác mẹ sống cùng lúc đó thuật lại (chi tiết này VTV đưa tin trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” số 94 bị lệch thành do trúng đạn là không chính xác, giỗ mẹ ngày 19 tháng chạp, chôn mẹ 11 ngày mới tới trận đánh Mậu Thân - 1968). Một mình ba còn lại, lại bệnh hen suyễn mãn tính nên không nuôi nổi con, đành cho hai chị lớn đi ở đợ cho người ta rồi tay ẵm tay bồng mang hai chị em về Nha Trang. Mấy cha con về ở trong cái ô nhà nhỏ số 90- Nguyễn Hoàng nhưng đa phần là tá túc trong một bệnh viện, ăn nhờ cơm từ thiện (trong ký ức của mình vẫn còn nhớ rất rõ cái lon guigoz lãnh cơm và cái mâm đồng ba ngăn nhận thức ăn). Ngày nào không ở bệnh viện thì mấy cha con ra biển, mình phụ rửa chén cho mấy hàng quán ven biển để họ cho hai chị em ăn cơm.

Ba chết trong bệnh viện, sau một cơn hen nặng. Năm đó, theo mình đoán là vào những năm bảy mươi, thời kỳ Mỹ rút quân, vì lúc ấy, có một ông Mỹ xin mình đem về nước nhưng mình đòi phải có em đi cùng mới chịu. Sau đó, hai chị em được đưa về Cô nhi viện Phan Rang… Năm 1978, Cô nhi viện giải thể, hai chị em về Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hà - Hàm Tân (trước đó là Trại trẻ mồ côi Bồ Câu Trắng). Lênh đênh mãi vậy mà trời cũng không thương, đứa em duy nhất của mình, trong một lần đi xúc cá dưới mương nước bị trái đạn sót từ thời chiến tranh tự dưng phát nổ cướp đi mạng sống.

…Còn lại một mình… Người thân duy nhất còn lại… cũng đã bỏ mình mà đi…”.

Chị Xuân kể đến đó thì khóc nấc lên, hai tay bưng lấy mặt, không nói tiếp được nữa.

 Vươn lên tìm mình và tìm nguồn gốc

Khác với chiếc lá khi tìm về cội nguồn thì cuống lá quay xuống, Xuân khao khát vươn lên để đủ sức đi tìm lại dòng họ, gốc tích của mình.

Trại Tân Hà những năm đói kém, chế độ ăn uống kham khổ, thiếu thốn, nên những anh chị đủ tuổi đều đi nông trường Đa Kai lao động. Vậy nên việc cho Xuân đi học đến lớp 9 đã là một ưu ái của Ban giám đốc, còn việc học lên nữa thì không thể.

Ít ai biết được trong lòng đứa trẻ này, việc học, việc vươn lên có một động cơ thầm kín mà cháy bỏng là học thành người để đi tìm nguồn gốc của mình. Đầu năm học mới, sự thiêu đốt bởi khát khao được đi học đã dẫn đường cho Xuân đến nhà thầy hiệu trưởng, Xuân khóc lóc van xin thầy nói giùm cho Xuân được đi học tiếp lên cấp 3. Cũng may là năm đó cả trường cấp 2 Tân Hà chỉ có ba học sinh giỏi được tuyển thẳng lên trường cấp 3 Hàm Tân, trong đó có Xuân, nên sau một đêm, nói chuyện đến tận khuya, thì thầy cũng thuyết phục được Ban giám đốc Trại.

“…Cứ bốn rưỡi là bật dậy đi học. Từ Trại đến trường hơn 10 cây số, có những bữa giật mình thấy trăng sáng tưởng mặt trời gần lên, xách cặp chạy cho kịp giờ, tim đập như trống vang trong lồng ngực nhưng không dám dừng lại, phần vì chạy tới đâu tiếng chó sủa rộ lên tới đó, sợ lắm. Chạy mãi tới Láng Gòn, Tân Xuân rồi mà vẫn chưa thấy ánh mặt trời hừng lên ở phía Đông, biết mình bị ánh trăng đánh lừa nên thấy nhà một bạn học sáng đèn, liền vào xin ngồi chờ, không dám đi nữa…”.

Vậy mà Xuân cũng học hết cấp 3, rồi vào học Trung cấp Tài chính – Kế toán tận thành phố Hồ Chí Minh. Vừa đi học vừa giữ xe đêm cho lớp bổ túc, vừa đan các loại giỏ cước đem bán, xoay xở cũng tạm đủ tiền ăn học, sách vở, quần áo. Năm 1986, vừa ra công tác là Xuân quyết tâm bằng mọi giá phải đi tìm nguồn gốc của mình.

Xuân bám víu vào bức thư vắn tắt của ba để đi tìm mẹ, từ hai chữ Phú Lễ trong bức thư Xuân tìm ra được xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mò mẫm mãi với bao chuyến đi không kết quả, đến 2007, Xuân mới tìm ra được gia phả bên ngoại, khi đó ông bà ngoại đã mất từ lâu. Nhờ một anh công an xã thông báo mà các cậu, các dì nghe tin ùa đến nhận cháu trong nước mắt ràn rụa. Hạnh phúc đoàn tụ vỡ òa phần cũng vì lời trăn trối của bà ngoại với các cậu dì là phải đi tìm hai đứa cháu thất lạc, nhưng việc đó quả thật như mò kim đáy biển, tìm mãi mà không có dấu vết gì. Giờ, cháu tìm về, dù thương tiếc cháu trai đã mất nhưng cũng là hạnh phúc quá lớn của dòng họ. Sau đó thì Xuân được biết mình có hai người chị cùng mẹ khác cha nữa đang ở Quảng Nam. Chị em lại gặp gỡ, lại nước mắt tuôn trào…

Vậy là đã tìm được họ ngoại, mấy chị em lại ngược lên Ban Mê Thuột, ra sức đi tìm và đã nhận ra được mộ mẹ trên một công trường xây dựng sắp bị san ủi, đó là ngôi mộ gần như phẳng lì, hơn 40 năm lạnh lẽo khói nhang. Người giữ nghĩa trang đã đào thấy một tấm xi măng ghi nghệch ngoạc bằng que cây những dòng chữ trùng khớp với nội dung bức thư của cha để lại.

Hành trình tìm dòng họ nội tưởng hoàn toàn bất lực, vì nếu dựa vào thẻ căn cước làm năm 1962 của cha trong bộ hồ sơ mà bà sơ đưa cho thì chỉ là những chuyến đi tìm vô vọng, mọi sự theo thời gian đã thay đổi quá nhiều. Năm 2008, Xuân quyết định gửi hồ sơ nhờ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” tìm giúp. 8 năm trôi qua với bao nỗ lực của một tổ chức lớn như vậy mà cũng đành xếp hồ sơ.

May sao, đội trưởng Phong, khi lục lại hồ sơ cũ đã đọc thấy bức thư thống thiết của Xuân, nhận ra khát khao tìm kiếm nguồn gốc của người này quá lớn, nên ông hạ quyết tâm tìm thêm lần nữa. Lần này phải tra lục đến hồ sơ an ninh lưu trữ, ông và đồng sự tìm được một người đã từng bị bắt vì tình nghi hoạt động cách mạng, tên là Phan Chính có cha là Phan Mực và mẹ Võ Thị Thiệu, trùng với cha mẹ ông Phan Nghiên. Từ manh mối của người chú cũng đã qua đời này, đội công tác tình nguyện cùng với Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Nhơn mới lần ra được dòng họ nội cho Xuân. Nhà nội ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định, nội có 5 người con thì đến 4 người con đã bỏ quê tha phương, người con trai cả Phan Nghiên, đã bán cả đàn vịt bỏ đi sau khi cha mình bị đĩa chui vào đầu mà chết. Đó là người cha kính yêu của Xuân. Vậy họ thật của Xuân chính là họ Phan.

         
            Trong chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” số 94 vừa phát sóng    gần đây trên VTV, người ta còn nhắc đến bức thư đầy nước mắt của    Xuân: “Tôi không biết tên thật của mình là gì. Tôi cũng không biết    bắt đầu nói về cuộc đời tôi từ đâu…”. Bức thư ấy thực sự làm cho mọi    người xúc động. Ba mươi năm, bắt đầu từ những manh mối ít ỏi, mong    manh, bắt đầu với những bước chân tìm kiếm tưởng như vô định, vô    vọng, nhưng với khát khao cháy bỏng, cùng với sự giúp sức của nhiều    người, cuối cùng Xuân cũng đã tìm được nguồn gốc của mình, tìm được    họ thật của mình. Mừng cho những giọt nước mắt hạnh phúc ràn rụa    trên má của người con, người cháu, người em thất lạc trong ngày đoàn    tụ hy hữu này!

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ba mươi năm đi tìm người thân