Qua đó, cải thiện rõ nét đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn; bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, nhiều nơi có sự thay đổi đáng kể; khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị thu hẹp dần, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được củng cố và nâng lên.
Sau ngày tái lập tỉnh Bình Thuận (1992), từ một địa phương khô hạn, chủ yếu có các công trình thủy lợi vừa và nhỏ (gồm: 144 công trình, trong đó có 4 hồ chứa, 8 trạm bơm, còn lại là 131 đập dâng và ao bàu nhỏ) với năng lực thiết kế tưới 27.400 ha, tưới chủ động cho 11.000 ha; nhưng đến nay, toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng với tổng năng lực tưới thiết kế 70.300 ha, tổng dung tích trữ 324 triệu m3
Có thể nói, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, nhờ đầu tư tốt các công trình thủy lợi, đặc biệt là làm kênh nối mạng thủy lợi; đến nay toàn tỉnh đã chủ động tưới trên 50% diện tích đất canh tác cần tưới hàng năm; xấp xỉ 75% diện tích đất lúa theo quy hoạch; cung cấp nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Việc đầu tư hạ tầng thủy lợi đã tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, góp phần mở rộng diện tích gieo trồng được tưới trong toàn tỉnh
Nhờ có thủy lợi, ngành nông nghiệp của tỉnh đã phát triển nhanh, thủy lợi đã thật sự tạo niềm tin sâu sắc trong nhân dân về chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước. Qua đó góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, tăng nhanh số hộ nông dân làm giàu chính đáng, nhiều vùng nông thôn đã khởi sắc, người dân yên tâm ổn định cuộc sống. Đây là một thành quả hết sức ý nghĩa cho một tỉnh khô hạn như Bình Thuận.