Kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận trong những năm gần đây phát triển khá nhanh, tạo chuyển biến bước đầu trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng. Năng lực sản xuất, quy mô nền kinh tế tăng đáng kể. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu được đẩy mạnh đầu tư, cơ sở vật chất và kỹ thuật được tăng cường; mở rộng hợp tác, liên kết thúc đẩy khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là công nghiệp năng lượng, du lịch, nông nghiệp. Đáng chú ý là bộ mặt đô thị và nông thôn, kể cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện…
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chủ trì cuộc họp
Mặc dù có sự phát triển nhanh trong những năm gần đây, vị trí của Bình Thuận trong nền kinh tế cả nước cũng như trong Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ vẫn còn khiêm tốn. Năm 2021, tỷ lệ đóng góp của tỉnh vào tổng GDP cả nước chỉ đạt 1,04%; tỷ trọng thu ngân sách Nhà nước nội địa chiếm 0,78% so với tổng thu ngân sách Nhà nước cả nước và đến năm 2022, thu nội địa chiếm tỷ trọng khoảng 0,61% và năm 2023 chiếm tỷ trọng 0,65% so với tổng thu ngân sách Nhà nước cả nước…Nhằm tạo điều kiện cho địa phương chủ động hơn trong việc xác định nguồn lực của ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi theo phân cấp của Trung ương. Việc xây dựng Đề án tự cân đối ngân sách tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 là cần thiết.
Dự thảo Đề án gồm 2 phương án tự cân đối ngân sách. Phương án 1 là căn cứ nhu cầu chi ngân sách địa phương để từ đó xác định thu ngân sách Nhà nước. Trên cơ sở phương án chi ngân sách địa phương đã xây dựng, để đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách, dự kiến thu nội địa năm 2024, 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 165.303 tỷ đồng, bao gồm thu thuế, phí, thu khác đạt 142.545 tỷ đồng. Thu tiền sử dụng đất là 6.374 tỷ đồng và thu xổ số kiến thiết là 16.384 tỷ đồng. Phương án 2 là căn cứ khả năng thu ngân sách Nhà nước để xác định chi ngân sách địa phương. Trên cơ sở phương án thu nội địa năm 2024, 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 theo nguồn lực thực tế tại địa phương do Cục Thuế xây dựng và số thu nội địa theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì thu điều tiết ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp hàng năm chỉ đảm bảo một phần dự toán chi ngân sách địa phương đã xây dựng, chưa đủ nguồn lực để đảm bảo cân đối chi ngân sách địa phương. Vì vậy, để đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách địa phương cần thực hiện rà soát, điều chỉnh giảm các nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá những thuận lợi, khó khăn của 2 phương án và trên cơ sở số thu nội địa thì Bình Thuận tự cân đối thu, chi ngân sách trong điều kiện còn nhiều thách thức trong quá trình điều hành ngân sách và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Với tốc độ thu nội địa tăng bình quân từ 9% - 10%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030 hoặc theo phương án số thu nội địa theo tỷ lệ huy động GRDP vào ngân sách đạt 8% thì việc tự cân đối thu, chi ngân sách theo phương án 2 sẽ khả thi. Theo các đại biểu, để tăng thu ngân sách, cần có giải pháp kêu gọi thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn lớn vào đầu tư tại tỉnh. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển 3 trụ cột là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp; trong đó cố gắng tăng tỷ lệ lấp đầy các nhà đầu tư thứ cấp tại các khu, cụm công nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để các dự án sớm triển khai thi công, đi vào hoạt động để tạo nguồn thu từ các dự án…
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh: Đây là Đề án quan trọng, cấp bách được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao. Trên cơ sở ý kiến các đại biểu dự họp, yêu cầu Sở Tài chính tiếp thu để bổ sung hoàn chỉnh dự thảo, sớm trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. Trong đó về quan điểm phương pháp tiếp cận, cần bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, xác định được mốc thời điểm cụ thể, đề ra mục tiêu phấn đấu và giải pháp cho phù hợp. Mặt khác, phân tích kỹ các nguồn thu cân đối thu chi, phân tích dự báo nguồn thu phải rõ ràng, lộ trình phải khả thi, yếu tố duy trì bền vững các nguồn thu, khai thác tối đa các nguồn thu dự báo, phát sinh trong tương lai, xây dựng cơ cấu nguồn thu cho phù hợp... Song song với các vấn đề trên cần rà soát, cập nhật các quy hoạch để thống nhất số liệu, phân tích kỹ các khó khăn, thuận lợi tác động đến thu chi trong những năm tiếp theo, tập trung các tiềm năng lợi thế của tỉnh để tính toán cân đối nguồn thu. Đề án cần xây dựng kịch bản, đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ khác nhau, có đề ra lộ trình phấn đấu. Về xác định thời điểm tự cân đối, cơ bản thống nhất như đề xuất là trong giai đoạn 2026 - 2030 tỉnh sẽ tự cân đối ngân sách. Liên quan đến giải pháp, cần giữ vững ổn định nguồn thu hiện có, đồng thời tạo nguồn thu mới bền vững, đặc biệt quan tâm đến những nguồn thu có tỷ trọng lớn như thu ngoài quốc doanh, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nguồn thu từ xổ số kiến thiết, bảo vệ môi trường…