Theo UBND xã Phan Tiến, xã có diện tích tự nhiên 7.539,34 ha; dân số 516 hộ/2.091 khẩu (dân tộc Raglay chiếm tỷ lệ 19,60%; Tày chiếm tỷ lệ 18,09%; Cơ ho chiếm tỷ lệ 17,04%; Kinh chiếm tỷ lệ 13,27%; Hoa chiếm tỷ lệ 10,85% và dân tộc khác chiếm tỷ lệ 6,93%.). Về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn xã từ năm 2022 - 2024 có 232 hộ/512 hộ. Trong đó, có nội dung đầu tư ứng trước phục vụ sản xuất và đời sống cho hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã Phan Tiến gồm chi phí đầu tư giống bắp lai, phân bón các loại và chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Người dân được Trung tâm Dịch vụ miền núi phối hợp cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bắp lại đến các hộ đồng bào được đầu tư ứng trước.

Ngoài ra, đối với công tác nhận khoán, bảo vệ rừng, tổng số hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn xã Phan Tiến là 125 hộ/diện tích giao khoán trên 4.857 ha do Ban Quản lý RPH Sông Lũy chủ quản.

Theo lãnh đạo UBND xã Phan Tiến và một số hộ dân hưởng lợi từ Nghị quyết 18, một trong những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải khi thực hiện Nghị quyết 18 trên địa bàn xã là các mô hình liên kết chuỗi giá trị phát triển sản xuất; mô hình sinh kế nông – lâm kết hợp chưa thật sự được chú trọng thực hiện. Các hộ đầu tư sản xuất nợ tồn đọng với số tiền còn cao. Bên cạnh đó, chính sách thu giảm diện tích, tăng hộ nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn xã chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng diện tích ít, nhiều chưa được xử lý kịp thời. Do đó, giải pháp đặt ra của địa phương thời gian tới là tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về chính sách phát triển sản xuất và nhận khoán bảo vệ rừng; gắn thực hiện mô hình sản xuất - lâm nghiệp để tăng thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, kiến nghị Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh tiếp tục quan tâm triển khai Nghị quyết số 18 và cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao, gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất trên địa bàn xã…
Sau khi nghe các ý kiến và khảo sát thực tế, bà Thanh Thị Kỷ- Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết, thông qua giám sát, khảo sát để Ban Dân tộc HĐND tỉnh đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết 18. Từ đó, chỉ rõ kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn để đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục để việc thực hiện chính sách đảm bảo hiệu quả và đúng quy định. Kết quả giám sát sẽ được báo cáo tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 - HĐND tỉnh khóa XI, dự kiến vào tháng 6/2025.