Tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Ngọc Lân |
Rút kinh nghiệm của các năm trước, do địa bàn quản lý rộng, trải dài trên nhiều địa hình phức tạp, dân di cư tự do lén lút lấn chiếm đất lâm nghiệp làm rẫy, các đối tượng khai thác lâm sản trái phép ngày càng tinh vi, thuê mướn người dân tộc tại chỗ, thậm chí chưa tới tuổi thành niên vào rừng chặt hạ, vận chuyển lâm sản gây nhiều khó khăn trong việc kiểm tra phát hiện… Năm nay, BQLRPH nhắc nhở cán bộ, nhân viên phụ trách địa bàn, nghiệp vụ, thực hiện một số vấn đề sau: chú trọng nắm bắt thông tin liên quan đến những đối tượng lâu nay có hành vi phá rừng; tổ chức tốt khâu tuần tra, bảo vệ rừng của hộ nhận khoán; tổ chức đốt chần phòng chống cháy rừng theo chỉ tiêu giao… Ban củng cố, sắp xếp hợp lý lực lượng bảo vệ rừng tại các trạm; tập trung cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, giỏi nghiệp vụ cho các điểm thường xảy ra phá rừng, khai thác lâm sản và lấn chiếm đất rừng. Các trạm, các chốt được yêu cầu: thường xuyên tuần rừng cùng các hộ nhận khoán, tránh việc chỉ nghe báo cáo từ hộ nhận khoán mà thiếu kiểm tra, hoặc báo cáo chậm, báo cáo thiếu về các diễn biến phá rừng.
Thực hiện chỉ đạo của BQL RPH, ngay từ cuối tháng 2, tại các trạm bảo vệ rừng đã liên tục diễn ra các đợt tuần tra ở các tiểu khu giàu tài nguyên rừng như: 165a, 166, 172, 168, 170… giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, các trạm còn tuần tra tại một số tiểu khu rừng ở xã La Dạ, Đông Tiến. Trong đó có những tiểu khu mà năm 2017, BQLRPH phát hiện một số vụ lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái phép.
Cũng trong những ngày sau tết, có sự hỗ trợ của cán bộ lâm nghiệp, toàn bộ 490 hộ đồng bào K’ho, Rắc Lây… (nhận khoán, bảo vệ 17.185,66 ha rừng của xã La Dạ, Đông Tiến) đã luân phiên tuần tra rừng. Đồng bào chia thành nhiều tổ, mỗi tổ có tổ trưởng, mang theo thức ăn, ở lại rừng trong một số ngày nhất định. Hết ngày trực, từng tổ đều có bàn giao về tình hình rừng. Riêng về PCCCR, đơn vị đã xây dựng phương án phối hợp với xã Đa Mi, La Dạ, Đông Tiến và các đơn vị của huyện đóng trên địa bàn, sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng. Rút kinh nghiệm của các năm trước, đặc biệt là năm 2017 đã không có vụ cháy rừng nào, BQLRPH tiến hành phát ranh, đốt chần sớm tại các trọng điểm cháy với tổng diện tích 21,7 ha.
Với sự cố gắng vừa nêu, BQL RPH tin rằng nạn cháy rừng sẽ được khống chế ở mức thấp nhất. Nạn lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép cũng sẽ giảm thiểu. Ông Ngô Công Thanh, Trưởng ban BQLRPH nói rằng: “Bao giờ cũng vậy, mùa khô là mùa gian khổ nhất trong năm của những người bảo vệ rừng, nhất là rừng còn nhiều tài nguyên như Hàm Thuận - Đa Mi”.
H.H