Theo dõi trên

Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong: Không xảy ra phá rừng, lấn rừng

16/11/2017, 10:30

BT- Ông Lê Châu Thành - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Lê Hồng Phong cho biết: Ban đang quản lý hơn 15.000 ha rừng. Trong đó diện tích rừng tự nhiên là gần 9.500 ha, rừng trồng hơn 4.000 ha. Rừng trải dài qua các xã Hồng Phong, Hòa Thắng, Lương Sơn và thị trấn Chợ Lầu của huyện Bắc Bình. Những năm qua, công tác trồng rừng và chăm sóc rừng trồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Ban QLRPH Lê Hồng Phong. Hàng năm Ban đều thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được giao.

                
Trồng rừng tại Ban QLRPH Lê Hồng Phong.   

Năm nay, theo kế hoạch trồng rừng phòng hộ, chống cát bay, chống sa mạc hóa trong mùa mưa, Ban QLRPH Lê Hồng Phong sẽ trồng mới 50 ha cây keo lưỡi liềm và cây phi lao. Những tháng gần đây, nhờ thời tiết thuận lợi nên các đơn vị thuộc Ban đã triển khai trồng rừng đạt 100% kế hoạch. Cụ thể, trồng 50 ha của Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ cây phân tán theo Chương trình REDD cho xã Hòa Thắng với 150.000 cây giống, quy đổi diện tích là 100 ha và hỗ trợ cây phân tán theo chương trình phát triển bền vững cho xã Hồng Phong 100 ha. Song song đó, Ban còn tổ chức gieo tạo được 720.000 cây, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, keo lưỡi liềm trên 200.000 cây, phi lao hơn 70.000  và keo lai 450.000 cây. Tất cả nguồn giống, chất lượng cây giống Ban ươm đều đạt tiêu chuẩn chất lượng và đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm định công nhận. Tranh thủ khi thời tiết thuận lợi Ban triển khai ngay việc trồng và chăm sóc rừng, trồng đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo tỷ lệ cây sống đạt cao. Ngoài ra, công tác chăm sóc rừng trồng cũng được Ban tích cực thực hiện. Trong năm qua, Ban đã xin chủ trương tiếp tục chăm sóc năm thứ 5 trên 50 ha thuộc diện tích rừng trồng phi lao năm 2013 nhằm đảm bảo khả năng thành rừng, đồng thời thúc đẩy sự sinh trưởng phát triển và đảm bảo vốn rừng.

Rừng phòng hộ ven biển Lê Hồng Phong không có trữ lượng gỗ lớn như các rừng phòng hộ khác trong tỉnh nhưng người dân làm rẫy ven rừng rất lớn. Nếu đơn vị chủ rừng lơ là, tình trạng lấn chiếm rừng làm rẫy rất dễ xảy ra. Trong khi Ban chỉ có 22 nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng với 4 trạm. Do đó, trong năm 2017, Ban đã tiến hành giao khoán bảo vệ rừng trồng, rừng tự nhiên và gắn với chia sẻ lợi ích cho người dân với gần 9.000 ha. Hiện có hơn 100 hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Bên cạnh đó là công tác phối hợp với chính quyền các xã như Hồng Phong, Hòa Thắng, Chợ Lầu, kể cả Đồn biên phòng Hòa Thắng cùng tham gia bảo vệ rừng. Nhờ đó, nhiều năm qua, rừng phòng hộ Lê Hồng Phong không để xảy ra tình trạng lấn rừng, phá rừng.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong: Không xảy ra phá rừng, lấn rừng