Theo dõi trên

Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét: Kéo giảm số vụ tái lấn chiếm đất lâm nghiệp

27/06/2017, 08:49

BT - Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét, huyện Hàm Thuận Nam được giao nhiệm vụ quản lý rừng phòng hộ và rừng sản xuất với diện tích trên 20 ngàn ha. Diện tích rừng trải dài trên địa giới hành chính 4 xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần, Hàm Thạnh, Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam), giáp ranh với 3 huyện Hàm Tân, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc. Ông Phạm Văn Chiến – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét cho biết: Diện tích rộng, các trạm và chốt bảo vệ rừng lại đóng xa nhau hàng chục km, địa hình thì phức tạp, đi lại khó khăn. Toàn Ban chỉ có 40 người bảo vệ rừng, được bố trí từ 5-6 người/trạm. Hàng ngày làm việc, Ban phải phân công 1 người trực trạm và phục vụ cơm nước cho anh em đi công tác về, đồng thời còn phải giải quyết các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, do đặc thù công việc lực lượng bảo vệ rừng thời gian sinh hoạt và làm việc tại trạm 24/24h, hàng tuần, hàng tháng lực lượng bảo vệ rừng thường hay bị bệnh sốt rét phải đi nằm viện điều trị. Những...

         
   

         

         Cán bộ kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng    trước nạn phá rừng. Ảnh minh họa

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn cả về định biên lao động, kinh phí nhưng đơn vị luôn tìm mọi giải pháp khắc phục để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Xác định khu vực 1 thuộc phạm vi ranh giới các xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần, Hàm Thạnh với diện tích trên 18 ngàn ha là điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật. Trong lòng rừng quản lý, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng đốt rừng làm rẫy và du canh, du cư vẫn còn tồn tại. Vì vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng hết sức phức tạp, đòi hỏi lực lượng bảo vệ rừng phải đủ mạnh để thay ca tuần tra ngày đêm. Nếu thiếu lực lượng tuần tra, chỉ hở ra là gỗ quý hiếm bị khai thác, chặt hạ. Đặc biệt là khu vực thuộc trạm Đèo Nam quản lý đóng trên địa bàn xã Mỹ Thạnh, giáp sông La Ngà, huyện Tánh Linh, địa hình đồi núi cao, hiểm trở. Do đó, đơn vị đã đầu tư kinh phí và điều động lực lượng thành lập chốt La Zôn để tuần tra và bảo vệ diện tích rừng dọc sông La Ngà đến khu vực tiếp giáp huyện Hàm Thuận Bắc. Đồng thời, lấy lực lượng bảo vệ rừng làm nòng cốt kết hợp với các hộ dân tộc nhận khoán bảo vệ rừng để tuần tra, ngăn chặn, xử lý các đối tượng phá rừng.  Riêng tại khu vực 2, thuộc xã Tân Lâp là điểm nóng về lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp đơn vị đã phát hiện, ngăn chặn, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý. Nhờ đó, từ năm 2013 đến nay, tình trạng tái lấn chiếm đất lâm nghiệp có giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2010 xảy ra 109 vụ lấn chiếm với gần 40 ha, thì đến năm 2013 giảm xuống còn 67 vụ với 43 ha; năm 2016 chỉ còn 19 vụ với 6 ha lấn chiếm. Những tháng đầu năm 2017, Ban đã thực hiện gần 500 lượt tuần tra, bảo vệ rừng, phát hiện 25 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó chủ yếu là khai thác gỗ trái phép.

Để ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng phá rừng, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục duy trì, bổ sung quân số cho Trạm bảo vệ rừng Đèo Nam, Tà Mon và chốt bảo vệ rừng Sông Phan, La Zôn. Song song, tiến hành rà soát, thống kê những đối tượng chuyên phá rừng, tàng trữ lâm sản trái phép và tổ chức vận động, buộc làm bản cam kết không tham gia phá rừng. Kiên quyết xử lý các đối tượng tái lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, lập kế hoạch quản lý, bảo vệ diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm sau khi thu hồi tại các xã… ông Chiến cho biết thêm.

Thu Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét: Kéo giảm số vụ tái lấn chiếm đất lâm nghiệp