Theo dõi trên

Báo Bình Thuận tác nghiệp trong dịch Covid-19

27/10/2020, 08:12

BT- Xuất phát từ kỹ năng nghề báo, cùng mong muốn an dân trong cảnh hỗn loạn dịch bệnh nên các phóng viên Báo Bình Thuận đã dấn thân một cách thận trọng. Qua đó, rút ra kỹ năng tác nghiệp của riêng mình…

                
      
      Phóng viên Báo Bình Thuận tác nghiệp trong đợt dịch Covid-19. Ảnh:    Hồng Thạnh

Khi những cơn bão còn tiếp diễn ngoài khơi, miền Trung đã oằn mình vì thiệt hại, mất mát thì cũng bắt đầu có những thông tin liên quan đến các nhà báo tác nghiệp trong vùng chịu thiên tai. Đã có nhà báo đã hy sinh; đã có nhà báo vừa thoát chết trong gang tấc… Tất cả khiến giới báo chí bắt đầu chú ý đến những kỹ năng tác nghiệp trong thiên tai, dịch bệnh, nhất là năm 2020 này, một năm đã diễn ra đầy đủ những gì kinh hoàng nhất của cụm từ trên. Và điều thiếu sót muốn nhắc đến là nước ta năm nào cũng có bão lũ, nhưng nhà báo Việt Nam chưa thực sự được đào tạo đầy đủ về kỹ năng tác nghiệp trong thiên tai. Riêng dịch bệnh thì bất thình lình, như dịch Covid-19 diễn ra mấy tháng qua, mà cao điểm là lúc tháng 3 tại tỉnh thì càng không có trường lớp nào chỉ bày, tập huấn tác nghiệp thế nào.

Thế nhưng, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên đó, Báo Bình Thuận đã làm tròn đầy vai trò, chức năng của báo chí. Đó là không chỉ đưa thông tin mọi diễn biến của dịch bệnh, những ảnh hưởng liên quan, hạn chế dịch bệnh lây lan… mà còn đảm bảo được chức năng truyền thông dự báo, cảnh báo, định hướng dư luận xã hội. Thực tế diễn ra cho thấy trong bối cảnh đó, tin đồn thất thiệt rất dễ lây lan và rất cần được nhà báo định hướng. Sự định hướng ấy phải thông qua việc thu thập, truyền tải các chi tiết liên quan nội dung tại thực tế, dẫn lời cơ quan chức năng để đưa tin, bài chính xác nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất để người dân hiểu, tránh hoảng loạn không đáng có. Tin đồn diễn ra 1 ngày cuối tháng 2/2020 về chuyện 130 người làm việc ở Hàn Quốc về lại quê nhà Bình Thuận cách ly là một ví dụ. Khi trên mạng xã hội chia sẻ thông tin này, Báo Bình Thuận đã đưa tin cơ quan chức năng khẳng định chỉ có 1 người làm việc ở Hàn Quốc về cách ly tại Khu cách ly 812 nên sau đó, thông tin bịa đặt trên tự khắc xóa đi. Hay tin đồn rằng tại các khu cách ly, điều kiện sinh hoạt tồi tàn, ăn uống kham khổ, Báo Bình Thuận cũng đã có bài phóng sự miêu tả cuộc sống cách ly vui và nhàn nhã như đi nghỉ dưỡng của những người nghi nhiễm ở đây, nên cũng đã dập tắt sự suy diễn không đúng sự thật…

Để  hoàn thành vai trò của báo chí trước sự kiện dịch bệnh trên, các phóng viên Báo Bình Thuận đã bám trụ tại bệnh viện; lăn xả vào các khu, điểm cách ly; dám gặp gỡ những bác sĩ, những người nghi nhiễm, những người theo chức năng nhiệm vụ phải ra vào vùng dịch, tiếp xúc người nghi bệnh như phun xịt, lấy mẫu… Sau những tin, bài, clip, ảnh về dịch bệnh đăng tải là phóng viên tự cách ly mình với người thân, gia đình và cả cơ quan. Có phóng viên có con nhỏ chấp nhận, nếu nhiễm bệnh thì cả mẹ và con cùng vào khu cách ly… Vì thế, những ngày tháng ấy căng như dây đàn, nhất là về chiều, khi cơ quan chức năng công bố kết quả xét nghiệm. Có phóng viên không ít lần rơi nước mắt vì lo sợ mình là F1 rồi vỡ òa khi nghe mẫu xét nghiệm người mình tiếp xúc là âm tính. Chưa hết, lại hồi hộp, biết đâu sau 2 lần âm tính, lần xét nghiệm mẫu thứ 3 lại là dương tính thì sao… Nhưng may là, dù tung hoành ngang dọc trong vùng dịch bệnh nhưng không có phóng viên nào bị nhiễm bệnh! Đó là một thành công. Tất cả chỉ xuất phát từ bản năng nghề báo, cùng mong muốn an dân trong cảnh hỗn loạn dịch bệnh nên các phóng viên đã dấn thân một cách thận trọng. Nhờ vậy, qua đó đã rút ra các kỹ năng, kinh nghiệm trong tác nghiệp báo chí vùng dịch bệnh mà chắc chắn những ai chưa trải qua, không thể có được. Tất cả cũng là lý do, Báo Bình Thuận được UBND tỉnh khen thưởng sau dịch…

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Bình Thuận tác nghiệp trong dịch Covid-19