Theo dõi trên

Bảo đảm giữ vững chủ quyền và môi trường hòa bình trên biển

13/10/2024, 14:36

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới. Trong đó, Đảng đã xác định quan điểm nhất quán và đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề trên biển hiện nay.

Trong những năm qua, trên Biển Đông đã và đang tồn tại các vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền lãnh thổ cần phải giải quyết, đó là: Bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa; bảo vệ chủ quyền và giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa giữa 05 nước 06 bên, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei, Đài Loan (Trung Quốc); phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và xác định ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cùng với đó, những nhân tố gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn đang diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa của nước ta vẫn chưa được loại trừ do đang tồn tại những nhận thức khác nhau về chủ quyền; có những yêu sách chủ quyền trái với thông lệ và luật pháp quốc tế; áp đặt tư duy chủ quan, nước lớn trong các hoạt động ở Biển Đông, như: Đẩy mạnh việc xây đắp phi pháp các đảo nhân tạo, cải tạo các đảo đã chiếm đóng trái phép, nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông; tăng cường các hoạt động chống phá, mở rộng vùng hoạt động kinh tế… Những hoạt động này đã và đang đe dọa, làm ảnh hưởng không chỉ đối với quốc phòng, an ninh của Việt Nam mà cả an ninh, an toàn của nhiều nước trong khu vực.

Trước những nguy cơ, thách thức nói trên, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động, tích cực giải quyết từng bước những tồn tại về biên giới lãnh thổ trên biển và đất liền với các nước liên quan nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác, góp phần củng cố hòa bình, an ninh khu vực, đồng thời tăng cường thế và lực của đất nước thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ký Hiệp định về Biển cả

Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện cơ bản chiến lược bảo đảm chủ quyền, an ninh; xử lý kịp thời các tình huống trên biển, bảo đảm giữ vững được chủ quyền, mối quan hệ và môi trường hòa bình trên biển. Trên mặt trận chính trị - đối ngoại, chính sách của Việt Nam ở Biển Đông đã vận dụng thành công chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ trong hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế. Chúng ta đã giữ vững các đảo, điểm đóng quân, các bãi cạn không người... Bên cạnh đó, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ‏“‏thế trận lòng dân” trên biển, đảo không ngừng được củng cố, tăng cường. Các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo từng bước được xây dựng, phát triển ngày càng vững mạnh hơn. Trong đó, Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên biển. Cùng với lực lượng nòng cốt là Hải quân, toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cần phải thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Luôn thể hiện quyết tâm dứt khoát, sự đồng thuận cao hơn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích của đất nước; kiên quyết giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc, bảo vệ đến cùng lợi ích quốc gia - dân tộc, với quyết tâm cao nhất.

Chúng ta xác định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, kiên trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bảo vệ lợi ích chính đáng của ta, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Do vậy cần thông tin kịp thời, minh bạch, chính xác để mọi người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới hiểu cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và sự chiếm hữu thực tế của Việt Nam trên các vùng biển, đảo ở Biển Đông; hiểu rõ quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết vấn đề chủ quyền trên Biển Đông; từ đó, xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm, đồng thuận của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và các hoạt động kinh tế biển. Đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, công tác tuyên truyền biển đảo bên cạnh yếu tố chủ động cần phát huy đa dạng các loại hình tuyên truyền, các kênh tuyên truyền khác nhau; kết hợp chặt chẽ tuyên truyền trong nước với đối ngoại và tuyên truyền đặc biệt; kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, âm mưu lợi dụng vấn đề Biển Đông để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân và quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Nhớ lời Bác dặn
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: ‏“‏Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”. Theo Người, ‏“‏biển bạc” chính là của cải vật chất, là sự giàu có nếu khai thác tốt tiềm năng, đi liền với bảo vệ biển; biển, đảo chứa đựng tài nguyên có giá trị về kinh tế, nối liền không gian kinh tế đất nước với khu vực và thế giới. Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo đảm giữ vững chủ quyền và môi trường hòa bình trên biển