Theo dõi trên

Bảo hiểm Xã hội tự nguyện giúp ổn định cuộc sống tuổi già

01/05/2019, 09:45

BTO- Bảo hiểm xã hội tự nguyện được xem là một trong những chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc. Người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và được hưởng nhiều quyền lợi khi về già hoặc khi có nhu cầu hưởng trợ cấp một lần; trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện chết thì người thân được hưởng trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng. Để giúp bạn đọc hiểu thêm loại hình bảo hiểm xã hộ tự nguyện, Báo Bình Thuận điện tử có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hồng Vân, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh và ông Phạm Đình Cang, Trưởng phòng khai thác và thu nợ - Bảo hiểm xã hội tỉnh.

 

 Hiện đối tượng nào được tham gia BHXH tự nguyện? Đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ở đâu, Thưa ông?

Theo Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH, bao gồm: Người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn dưới 1 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố; NLĐ giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương; xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong HTX, liên hiệp HTX; người nông dân, NLĐ tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình; NLĐ đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH; người tham gia khác.  Người tham gia BHXH tự nguyện đăng ký tại: Cơ quan BHXH tỉnh/ huyện; đại lý thu BHXH tự nguyện (UBND các xã, phường, thị trấn; tổ chức kinh tế: bưu điện; hội đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…). Thủ tục tham gia: Người đăng ký BHXH tự nguyện kê khai tờ khai được cơ quan BHXH hoặc đại lý thu cung cấp. Trường hợp người tham gia đã có mã số BHXH thì chỉ cần cung cấp mã số BHXH, không phải lập tờ khai. Đóng tiền cho đại lý thu hoặc cơ quan BHXH theo phương thức đã đăng ký và nhận biên lai thu tiền đóng BHXH tự nguyện.


Vậy mức đóng, phương thức đóng và mức được Nhà nước hỗ trợ đóng như thế nào?

Hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.Người tham gia được chọn một trong các phương thức đóng sau đây: Đóng hàng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần;đóng 12 tháng một lần;đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) nhưng còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo. Bằng 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo. Bằng 10% đối với các đối tượng khác. Người tham gia được giảm trừ ngay số tiền Nhà nước hỗ trợ khi đóng BHXH tự nguyện.

 Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng quyền lợi gì?

 Người tham gia được nhận sổ BHXH và thông báo kỳ hạn đóng tiền BHXH tự nguyện. Người đóng BHXH không liên tục thì thời gian tính hưởng chế độ BHXH là tổng thời gian đã đóng BHXH. Người tham gia BHXH tự nguyện dừng đóng BHXH tự nguyện mà chưa hưởng chế độ hưu trí thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH để sau này hưởng. Người tham gia BHXH tự nguyện khi có đủ các điều kiện theo quy định được hưởng quyền lợi: Chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

Bà nói rõ hơn các quyền lợi này?

Chế độ hưu trí: Bao gồm hưởng lương hưu hàng tháng và hưởng BHXH 1 lần. Người tham gia BHXH tự nguyện khi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ tuổi (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) thì được hưởng lương hưu hàng tháng.

Chế độ tử tuất: gồm trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất 1 lần. Người tham gia BHXH tự nguyện chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở ở tại tháng người tham gia BHXH tự nguyện chết khi thuộc một trong các trường hợp sau: có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên; Có từ đủ 12 tháng đóng BHXH trở lên; người đang hưởng lương hưu.

 Người đang đóng BHXH tự nguyện hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi. Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm thì mức trợ cấp bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH. Người đang hưởng lương hưu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm một tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu (mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu hiện hưởng).

Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện còn hưởng một số quyền lợi khác như:Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ. Lương hưu và trợ cấp BHXH không bị đánh thuế. Lương hưu được điều chỉnh theo quy định của pháp luật. Đang hưởng lương hưu còn ký kết hợp đồng lao động làm việc không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN.Người hưởng lương hưu không phải đóng bảo hiểm y tế mà vẫn được cấp thẻ bảo hiểm y tế với mức đồng chi trả bằng 5%.

 Mức lương của người tham gia BHXH tự nguyện khi đến tuổi hưu được tính như thế nào? cho một ví dụ cụ thể.

Từ ngày Luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Nhưng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Ngoài ra, người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Nếu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc vào một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì có thể làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Tôi lấy một ví dụ: Bà C hưởng lương hưu từ tháng 02/2018, thời gian đóng BHXH là 28 năm 01 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH là 6.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của bà C được tính như sau: Thời gian đóng BHXH của bà C là 28 năm 01 tháng, số tháng lẻ 01 tháng được tính là nửa năm, nên số năm đóng BHXH để tính hưởng lương hưu của bà C là 28,5 năm. 15 năm đầu tính bằng 45%. Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28,5 là 13,5 năm, tính thêm: 13,5 x 2% = 27%. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà C là: 45% + 27% = 72%. Vậy mức hương hưu hằng tháng của bà C là:

72% x 6.000.000 đồng/tháng = 4.320.000 đồng/tháng.

 Trường hợp nào thì người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ BHXH một lần và mức hưởng như thế nào?

 Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ BHXH một lần khi: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Ra nước ngoài để định cư. Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế. Người tham gia BHXH tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

 Mức hưởng được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Mức hưởng BHXH một lần đối với người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế bao gồm cả số tiền do nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, còn các đối tượng khác thì mức hưởng BHXH một lần không bao gồm số tiền này.

  Dư luận cho rằng hiện nay chính sách BHXH tự nguyện chưa khuyến khích được người tham gia vì: Thời gian đóng BHXH tự nguyện 20 năm là quá dài; mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp; người tham gia BHXH tự nguyện chưa được hưởng chế độ ốm đau, thai sản…theo bà có đúng không.

Cũng giống như BHXH bắt buộc, điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí là 20 năm. Đối với BHXH bắt buộc thì hằng tháng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng vào quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-BNN, hưu trí và tử tuất là 32% mức tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định, và được hưởng đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Riêng đối với BHXH tự nguyện thì người tham gia chỉ đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do họ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, nên chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất.

Về hỗ trợ mức đóng, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn như đã nói ở phần trên.

Việc dư luận cho rằng hiện nay chính sách BHXH tự nguyện chưa khuyến khích được người tham gia vì: Thời gian đóng BHXH tự nguyện 20 năm là quá dài; mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp; người tham gia BHXH tự nguyện chưa được hưởng chế độ ốm đau, thai sản… là hoàn toàn đúng. Vấn đề này, BHXH tỉnh đã tổng hợp báo cáo lên cấp trên. Tuy nhiên, trước mắt vẫn tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH tự nguyện theo đúng quy định của Luật BHXH năm 2014 như nêu trên.

Xin cám ơn bà Lê Thị Hồng Vân và ông Phạm Đình Cang

LÊ THANH VÀ NGỌC THU (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo hiểm Xã hội tự nguyện giúp ổn định cuộc sống tuổi già