Theo dõi trên

Bạo lực học đường, góc nhìn văn hóa

03/04/2019, 16:26

BTO- Tại phiên họp thường kỳ ngày 2/4/2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Lo kinh tế nhưng không được quên các vấn đề xã hội bức xúc, như tệ nạn ma túy, tai nạn giao thông, đặc biệt là bạo lực học đường. Bạo lực học đường ảnh hưởng đến việc đào tạo, giáo dục thanh thiếu niên, thế hệ tương lai của đất nước”. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Chủ tịch UBND các địa phương vào cuộc và xử lý rốt ráo, tìm giải pháp căn cơ, không để tệ bạo lực học đường tái diễn.

Tin tức, sự luận bàn về “bạo lực học đường” đến với công chúng mỗi ngày, có khi khá dồn dập trên các phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội. Có thể thấy, thông tin bạo lực học đường được tán phát nhanh trên mạng xã hội, tạo làn sóng phẫn nộ trong dư luận, gây nhức nhối các bậc cha mẹ học sinh, thầy cô giáo và những ai quan tâm đến sự nghiệp trồng người. Nền giáo dục nước nhà và cao hơn là tình người, tình bạn trong giới trẻ, văn hóa dân tộc đang bị thách thức?

Mới đây, một nữ sinh lớp 9 ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bị nhóm 5 bạn lột hết quần áo, túm tóc, đấm đạp, đánh hội đồng dã man ngay trong lớp. Vào lúc Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên về huyện Ân Thi chỉ đạo giải quyết vụ việc khi có dấu hiệu nhà trường ém nhẹm, che dấu thông tin thì lại một vụ bạo lực khác xảy ra tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Nhóm 5 bạn nữ sinh lớp 7 bắt bạn gái quỳ gối rồi đánh vào mặt, vào người yêu cầu bạn chắp tay vái lạy xin lỗi, hứa phải nghe lời. Đến lượt 22 học sinh lớp 8 ở TP. Bà Rịa, tỉnh Bà rịa – Vũng Tàu bị cô giáo chủ nhiệm dùng thước gỗ đánh thâm tím chân, gây bức xúc các bậc cha mẹ học sinh. Trước đó, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội cũng đã nêu nhiều vụ bạo lực học đường khác, điển hình là vụ một cô giáo tại tỉnh Quảng Bình lệnh cho học sinh lớp 6 “tát vào mặt bạn”, khi bạn chửi thề, nói bậy, mỗi lần mỗi bạn tát 10 cái đến mức học sinh phải nhập viện. Tại địa phương khác, cô giáo tát vào mồm, đánh vào tai học sinh làm chảy máu, thủng màng nhĩ phải nghỉ học để điều trị …

Bạo lực học đường kéo dài nhiều năm nay, chưa có dấu hiệu giảm, ngược lại ngày càng tăng đang là một vấn nạn rất đáng báo động. Bạo lực học đường, bằng giải pháp nào để xử lý và ngăn chặn, có nhiều giải pháp, biện pháp được đưa ra sau khi lý giải những lý do, nguyên nhân khác nhau, nhưng tập trung nhất vẫn là giải pháp của nhà trường, từ nhà trường, từ thầy cô giáo. Thầy cô giáo luôn sâu sát, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, biết rõ tâm sinh lý, những vướng mắc, thậm chí những tâm tư thầm kín của trò. Bệnh thành tích trong ngành giáo dục cần được mổ xẻ, phân tích và chấm dứt bằng những biện pháp mạnh mẽ, hữu hiệu. Chất lượng văn hóa của đội ngũ giáo viên cần được ngành giáo dục quan tâm đúng mức. Có một giải pháp quan trọng, cần thiết, đó là trách nhiệm, sự quan tâm giáo dục, quan sát, lắng nghe của gia đình đối với con em mình, tuyệt đối không khoán trắng việc giáo dục con em cho thầy cô giáo. Sự phối hợp, cộng đồng trách nhiệm trong giáo dục con em cần được các bậc làm cha làm mẹ và thầy cô giáo đề cao hơn bao giờ hết.

Bạo lực học đường dưới góc nhìn văn hóa - đạo đức cần được quan tâm đầy đủ từ yếu tố văn hóa, bắt đầu từ văn hóa, ứng xử có văn hóa trong tình bạn, nghĩa tình thầy trò. Chất lượng dạy và học trước hết, trên hết là việc học văn hóa ứng xử, chăm lo đến việc xây dựng tình bằng hữu, đồng môn, đồng lứa trong các em. Hoạt động của đoàn, của đội trong nhà trường cần xoay quanh chủ đề “Tình bạn lứa tuổi học trò”. Các vi phạm, những điều không hay trong ứng xử, khi được phát hiện cần quan tâm giải quyết, không để cái nhỏ sưng tấy trở thành ung nhọt, nảy sinh ra cái lớn, mâu thuẫn dễ bùng nổ.

“Nhức nhối bạo lực học đường”, điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu và nhấn mạnh vào ngày 2/4/2019 trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, đó là trách nhiệm đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của ngành giáo dục - đào tạo, các địa phương, các bậc cha mẹ học sinh và của toàn xã hội.

 QUỐC TOÀN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạo lực học đường, góc nhìn văn hóa