Theo dõi trên

Bảo tồn chà vá chân đen

28/01/2016, 08:25

Về khu bảo tồn

BT- Mai Văn Quỳnh - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (KBTTNTC) có hơn 20 năm gắn bó ngành lâm nghiệp. 6 năm trước, Quỳnh nhận quyết định làm giám đốc  khu bảo tồn khi  ở đây cần người vững nghiệp vụ. Quỳnh không lạ gì khu bảo tồn bởi từ lâu nó được coi như lá phổi xanh của Bình Thuận. Nó không chỉ điều  hòa khí hậu, chống xói mòn, cát bay, mà còn cung cấp nước ngầm cho cây trồng.  Khi còn làm việc ở Hạt Kiểm lâm huyện, Quỳnh không ít lần đi vào khu bảo tồn rộng 17.000 ha này, leo lên phần núi Tà Cú ở phía Bắc, cùng mấy anh em kiểm lâm nối tay đo thử đường kính của những cây sao xanh trên sườn núi, và anh đánh giá phải trên trăm năm mới có  những cây sao như vậy. Ở đó, lúc nào cũng nhiều lớp lá mục rất dày dưới tán rừng, phủ lên trên màu đất đen tuyền hơi ẩm của triền núi, nơi mọi thứ hạt gieo xuống đều sẽ mọc thành cây. Vì vậy, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Quỳnh dành thời gian tìm hiểu kỹ những gì mà người giám đốc như anh phải làm. Quỳnh  không khỏi ngạc nhiên là núi Tà Cú, ngọn núi phía Tây bắc của khu bảo tồn, thuộc diện núi sót của Trường Sơn Nam, rộng 1.000 ha  lại có tới 159 loài cây thuốc. Thứ mà người dân quanh vùng thường tìm kiếm để trị một số bệnh nội thương và ngoài da... Đó là, sa nhân, xuyên tâm liên, hoàng đằng, thạch hộc, huyết giác, cốt toái bổ, thiên niên kiện, ngũ gia bì, bạch hoa xà, thần xạ... Những cái tên mà hồi nhỏ Quỳnh thường nghe các thầy đông y nhắc tới. Bởi vậy, khi nghe đoàn của Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sắp về KBTTNTC nghiên cứu  linh trưởng, Quỳnh liền bảo Trần Trung Nghĩa, cán bộ của đơn vị nên theo sát học hỏi  để sau này chỉ lại cho anh em...

                       
Khỉ chà vá chân đen tại Khu bảo tồn Tà Cú.

 Chà vá chân đen

 Rồi cái ngày ấy tới. Quỳnh có dịp tiếp xúc giáo sư Herbert Covert của Đại học Colarado (Hoa Kỳ) và tiến sĩ Hoàng Minh Đức, hai chuyên gia về linh trưởng khi họ làm việc với khu bảo tồn. Họ nói sẽ dành 18 tháng  nghiên cứu loài chà vá chân đen, 1 trong 6 loài linh trưởng tồn tại trên núi Tà Cú là cu li nhỏ, voọc bạc Trường Sơn, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi  lợn… Sau hôm ấy, Quỳnh  hay lên  núi  cùng  đoàn. Đoàn tập trung khảo sát một bầy khỉ chà vá kiếm ăn trong bán kính 200 - 250m, tính từ lưng tượng Phật nằm lên đỉnh núi. Tiến sĩ  Đức cùng mấy cán bộ thường ngủ lại trên núi vì bầy khỉ đi ăn khi còn mờ sáng. Mờ sáng chúng đã kêu chí chóe ở khu rừng sau tượng Phật, trước khi con người thấy chúng hiện ra sau những vòm lá với chiếc mũi có phần kỳ quặc. Tiến sĩ Đức nói khỉ chà vá thuộc nhóm khỉ Đông Dương, phân bố từ phía Đông sông Mê Kông trở ra biển. Có 3 loài khỉ chà vá là chân nâu, chân xám và chân đen. Chân nâu phân bố từ vĩ  tuyến 20  đến vĩ tuyến 16, chân xám từ vĩ tuyến 16 vào đến vĩ tuyến 14, còn chân đen thì từ  vĩ tuyến 14 vào đến vĩ tuyến 11. Núi Tà Cú là điểm phân bố cuối cùng của chà vá chân đen. Loài khỉ này  có nguy cơ tuyệt  chủng trước nạn săn bắn hiện nay. Sau khi nghiên cứu, Viện Sinh học nhiệt đới, hy vọng đề ra được các biện pháp bảo tồn loài  này cho Bình Thuận. Mỗi một ngày, đoàn đều dùng máy quay hiện đại thu lại rồi  phân tích hành động của bầy khỉ, từ việc ăn lá đến ngủ… Quỳnh nhờ vậy  biết được nhiều điều thú vị của bầy khỉ khi nhìn vào máy quay. Chẳng hạn, chà vá chỉ ăn lá trên tán cây, khác với voọc bạc Trường Sơn ăn từ  giữa thân cây trở xuống. Các bầy chà vá gần như không xâm lấn phần rừng của nhau. Chúng  lấy dông núi làm ranh giới của từng bầy. Mỗi lần đi ăn, cả bầy chuyền theo hàng ngang, nhưng khi chuyển chỗ thì chúng  đi theo hàng dọc và chuyền cành  đúng  một chỗ như nhau. Nhờ tập tính này, chỉ cần đặt máy quay hướng về nơi chúng chuyền cành sẽ đếm được có bao nhiêu cá thể trong bầy, tuổi từng con, diễn biến của bầy trong suốt thời gian nghiên cứu. Đã không ít lần Quỳnh qua đêm trên núi cùng nhóm nghiên cứu. Mỗi lần như vậy, Quỳnh nhận ra trong lòng khu bảo tồn chứa biết bao điều bí mật. Vì vậy, khi ai đó nói: Hàm Thuận Nam có một kho vàng thiên nhiên thì không phải ai cũng hiểu, nhận biết được!

                       
       
Tiến sĩ Hoàng Minh Đức - người dành nhiều    công sức nghiên cứu về sinh thái - dinh dưỡng của đàn khỉ chà vá    chân đen tại Khu bảo tồn Tà Cú (Hàm Thuận Nam).

 Bầy đàn phát triển

 Tháng 12/2015, Mai Văn Quỳnh và Trần Trung Nghĩa tiếp tôi tại trụ sở làm việc của KBTTNTC. Chúng tôi nói  với nhau về chà vá chân đen, tập tính của chúng. Quỳnh cho biết số lượng cá thể chà vá chân đen  mỗi ngày một nhiều lên. Mới đây các anh nhìn thấy chà vá mẹ bồng con đu cây. Chà vá con lông màu hung, rất đẹp. 6 loài linh trưởng  trên  núi Tà Cú có cơ hội ngày một nhiều lên về số cá thể, bởi sau một số năm thừa hưởng thành quả của chương trình bảo tồn hệ sinh thái Khu bảo tồn Tà Cú (dự án VN CBD 600174) do Ủy ban IUCN của Hà Lan  tài trợ,  số loài động, thực vật trong khu bảo tồn  thay đổi. Đến nay ghi nhận khoảng 1.000 loài thực vật bậc cao, thay vì 751 loài như trong luận chứng kinh tế của khu bảo tồn năm 1996. Động vật tăng lên 454 loài thay vì 178 loài. Loài khỉ ăn lá nhờ vào tài nguyên thực vật phong phú, cứ thế sinh sôi. Quỳnh bảo: “Bây giờ lên núi Tà Cú rất dễ thấy khỉ leo trèo, thấy  vượn bạc Trường Sơn chuyền cành, nghe vượn hú  vang vọng lúc ban mai,  xao xác khi chiều về. Săn bắt động vật đang được ngăn chặn triệt để nhờ  giao khoán bảo vệ rừng, cũng như sự nâng dần về ý thức bảo vệ  rừng, môi trường sống trong dân. Chúng tôi cùng với địa phương, các trường học thành lập câu lạc bộ chà vá chân đen. Hàng năm, câu lạc bộ tổ chức một số hoạt động ngay giữa lòng khu bảo tồn để thông qua đó giáo dục học sinh hiểu biết thêm về rừng, yêu rừng”. Mai Văn Quỳnh không giấu mong ước của anh  là KBTTNTC được nâng thành vườn quốc gia. Khi đó, không chỉ nguồn tài chính dành cho phát triển vốn rừng tăng mà một số chương trình thu hút khách tham quan một số khu vực trong rừng cũng có thể thực hiện.

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Bình Thuận: Chủ động thông tin đối ngoại, tăng cường vị thế và hội nhập quốc tế
Năm 2024, công tác thông tin đối ngoại của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh của địa phương đến với bạn bè quốc tế. Đây cũng là năm Bình Thuận thể hiện rõ sự chủ động trong việc hội nhập quốc tế và tận dụng các cơ hội để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tồn chà vá chân đen