BT- Việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã, không chỉ làm suy thoái hệ sinh thái, cướp đi những di sản mà còn đẩy các giống loài đến gần sự tuyệt chủng. Trước thực trạng lo ngại đó các cơ quan chức năng và cộng đồng đã có nhiều nỗ lực bảo vệ các giống loài. Thế nhưng, những loài mang tính biểu trưng được ghi danh vào sách đỏ như: voi, tê giác, hổ, khỉ đột, rùa biển và một số loài ít được biết đến như: chim mỏ sừng, tê tê, các loại lan rừng vẫn đang bị đe dọa bởi con người. Chính vì thế, Ngày Môi trường thế giới năm 2016, chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc đã đưa ra chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”. Trong đó có nội dung hướng về cuộc chiến chống nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã nhằm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với mọi công dân, và hơn bao giờ hết việc bảo vệ động, thực vật hoang dã cần sự chung tay của cộng đồng.
Tại Bình Thuận, việc kiểm tra ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã được các ngành, địa phương chú ý, nên từ đầu năm 2015 đến nay cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện xử lý 49 cá thể động vật hoang dã (trọng lượng khoảng 73,1kg), trong đó có 27 cá thể thuộc loài động vật quý hiếm. Nhiều cá thể động vật hoang dã sau đó được thả vào rừng, hoặc thả vào Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú và Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Trước thực trạng buôn bán bất hợp pháp các giống loài hoang dã, các chuyên gia bảo tồn cho rằng: Cộng đồng cần phải thay đổi thói quen và hành vi để giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm hoặc có hành vi giết hại, buôn lậu động vật hoang dã. Đồng thời, khuyến khích người dân quan tâm bảo vệ tất cả giống loài động vật đang bị đe dọa, thoái hóa.
…Đến gây nuôi động vật hoang dã
Cuối năm 2013 Tỉnh ủy, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã. Từ đó, các đơn vị trong ngành lâm nghiệp, vận động cán bộ, công chức và nhân dân không sử dụng các sản phẩm động vật không có nguồn gốc hợp pháp… Hiện nay 100% cơ sở nuôi động vật hoang dã có đăng ký, đều có sổ theo dõi từng cá thể. Các cơ sở được kiểm tra 3 tháng một lần về điều kiện chuồng trại, an toàn cho người nuôi và vật nuôi; kiểm tra các trại nuôi thú hung dữ để có biện pháp quản lý, chỉ đạo chặt chẽ, tránh xổng chuồng gây nguy hiểm cho người dân. Do vậy, đến nay trong toàn tỉnh có 68 hộ được cấp giấy chứng nhận hoạt động gây nuôi hơn 7.031 cá thể động vật, trong đó có 5.047 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý hiếm và 1.984 cá thể thuộc loài thông thường như: cá sấu nước ngọt, kỳ đà, rắn, nhím, nai, hươu, dúi… Tuy nhiên, thời gian gần đây một số cơ sở không phát triển được do giá cả thị trường không ổn định. Mặt khác, việc thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường theo quy định thì các hộ nông dân không có điều kiện để cam kết thực hiện vì lượng cá thể nuôi ít, quy mô nhỏ lẻ, không kích cầu được việc gây nuôi động vật hoang dã.
LÊ THANH