Có mặt tại khu nhà trọ ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội vào một buổi chiều muộn khi mà các công nhân làm ca đêm đã tranh thủ ngủ ngày, dậy và chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Trong căn phòng trọ nhỏ, chật hẹp, nóng bức, chỉ khoảng 15m2, anh Nguyễn Bảo Trung, công nhân khu công nghiệp Nissei Electric đang nấu ăn để đi làm ca tối.
Bữa ăn tối của Trung và 2 người bạn cùng xóm trọ khá đạm bạc, chỉ có 1 đĩa đậu, một ít lạc rang, vài quả cà muối và canh rau. Trung than thở, xăng tăng giá liên tục nên giá cả các mặt hàng cũng tăng theo. Nếu như trước đây, một bữa ăn của 3 người chỉ hết khoảng 50.000 đồng thì bây giờ phải 80.000 đồng mới đủ cho một bữa ăn. Sức vóc thanh niên, phải làm tăng ca nhiều nên Trung và các bạn cũng rất chú trọng đến chất lượng bữa ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, thời gian này, rau quả, thực phẩm tăng giá nhiều nên các bữa ăn sẽ phải “gối đầu”, bữa ăn tươi, bữa đạm bạc để tiết kiệm chi phí.
“Tiền lương của em chỉ khoảng 7,5 triệu đồng/tháng, không đủ chi tiêu, trước đây em phải chạy thêm grab, bán trà chanh để có thêm thu nhập. Mọi thứ đắt đỏ quá nên chúng em phải chắt chiu, tằn tiện hơn trong chi tiêu. Ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cũng phải tính toán lại mới mong tiết kiệm được chút xíu, thi thoảng gửi về biếu bố mẹ ở quê”.
Chị Lường Thị Hạ, công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEEV (Việt Nam), quê ở Thanh Hóa cho biết, với mức thu nhập khoảng 8-9 triệu/tháng, trừ chi phí tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống, tiền xăng xe đi lại, chi tiêu lặt vặt thì Hạ vẫn tiết kiệm được khoảng vài triệu đồng. Thời gian trước dịch, với số tiền này có thể giúp Hạ có một cuộc sống khá thoải mái, thế nhưng, mấy tháng trở lại đây, xăng tăng giá kéo theo hàng loạt các mặt hàng tăng theo nên Hạ phải tiết kiệm tối đa trong chi tiêu thì mới có thể để dành một chút lo cho bản thân những khi ốm đau hay thi thoảng gửi về biếu bố mẹ.
Việc ăn uống hàng ngày cũng vậy, vì phải tăng ca một số buổi trong tuần nên khi rảnh rỗi, Hạ tự nấu ăn cho tiết kiệm. Hôm nào đi làm về mệt thì Hạ phải mua cơm hộp về ăn.
Hạ nhẩm tính, trước đây, khi giá cả chưa tăng nhiều thì một suất cơm có đầy đủ thịt, rau, cá… khoảng 30.000 nhưng 2 tháng trở lại đây thì một suất cơm như vậy đã tăng lên 40.000 đồng. So với mức lương của Hạ thì như vậy là quá đắt đỏ.
Với những bạn trẻ chưa có gia đình, cuộc sống độc thân còn chật vật là vậy, với những gia đình có con nhỏ thì cuộc sống còn vất vả hơn nhiều.
Trong cái oi bức của những ngày đầu hè, tại xóm trọ gần Khu công nghiệp Thăng Long, gần 6 giờ chiều, chị Hà Thu Hằng vừa đi chợ về, mồ hôi nhễ nhại, trên tay cầm bó rau muống nhỏ, mấy miếng đậu và chút thịt để chuẩn bị cho bữa cơm chiều.
Chị Hằng chia sẻ, vợ chồng chị quê ở Nghệ An, làm việc tại khu công nghiệp được hơn 5 năm và có 2 con nhỏ, 1 bé 3 tuổi và 1 bé 5 tuổi. Tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 12 -13 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí tiền thuê nhà, điện nước, tiền ăn uống, tiền sữa, tiền gửi con nhà trẻ thì hầu như không tiết kiệm được đồng nào, cố gắng trang trải chi tiêu đủ trong 1 tháng là tốt lắm rồi.
Chị Hằng than thở, đi chợ bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, mỗi lần đi chợ chị chỉ dám mua thức ăn trong giới hạn 80.000 đồng. Với số tiền ít ỏi này, chị chỉ mua được hơn chút thịt cho con, mấy miếng đậu phụ và 1 bó rau nhỏ. Thịt thì nhường cho con, bố mẹ thì ăn tạm đậu, lạc, rau cho qua bữa.
Không chỉ cắt giảm mua các mặt hàng mà ngay cả trong tiêu dùng hàng ngày, chị Hằng cũng cân nhắc, ưu tiên chọn mua những mặt hàng có giá “mềm” hơn. Vợ chồng chị luôn nhắc nhau, phải “thắt lưng buộc bụng”, thật tiết kiệm để tiết giảm chi phí. Quê ở xa, gia đình không thể “tiếp tế” rau, gạo, thực phẩm nên tất cả mọi chi phí, sinh hoạt chỉ gói gọn trong số tiền lương eo hẹp đó.
“Nếu tình hình vẫn khó khăn như thế này, tới đây, chồng tôi dự định sẽ chạy thêm xe ôm để có thêm đồng ra, đồng vào, còn tôi thì tích cực làm tăng ca. Không còn cách nào khác, tất cả phải cùng cố gắng để lo cho con có một cuộc sống đầy đủ hơn”, chị Hằng cho hay.
Hiểu được những khó khăn vất vả của công nhân, người lao động, nhất là những biến động của giá cả thị trường, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến người lao động, doanh nghiệp và thuyết phục Hội đồng tiền lương Quốc gia chốt tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7 tới.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mức tăng chỉ tương ứng với 200.000 đồng nhưng cũng phần nào chia sẻ khó khăn với người lao động.
“Trong bối cảnh các bên đều khó khăn thì mức đề xuất này là phù hợp, xây dựng một quan hệ lao động thực sự hài hòa, ổn định, tiến bộ. Mức lương này giải quyết khó khăn gì cho người lao động thì thời gian sẽ là câu trả lời. Với tình hình giá cả tăng cao, hơn 1,5 năm người lao động chưa được tăng lương thì đây là một con số khiêm tốn. Tuy nhiên “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chắc chắn đây cũng là đề xuất động viên người lao động, khiến họ an tâm tiếp tục làm việc”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh./.