Theo dõi trên

Bệnh tay chân miệng: Giảm chậm, tăng nhanh 

15/10/2019, 09:02

BT- Tháng 9/2019, bệnh tay chân miệng (TCM) tăng cao. Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng, lây lan nhanh, trong thời gian tới, nếu như người dân trong cộng đồng không thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân và môi trường.  

                
   Trẻ điều trị bệnh TCM tại khoa nhiễm (Bệnh    viện đa khoa tỉnh).

“Sốt, không biết bệnh gì?”

Chị Trần Thị Q. (xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc), đang nuôi con gái 2,5 tuổi điều trị bệnh TCM tạikhoa nhiễm của Bệnh viện đa khoa tỉnh. Chị Q. cho biết: “Cách đây 2 ngày, sau khi đón con từ nhóm trẻ, bé có biểu hiện lừ nhừ, bỏ ăn, đau vùng miệng. Hôm sau, bé sốt liên tục và được đưa tớibệnh viện tỉnh. Các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh TCM và yêu cầu nhập viện để điều trị.

Trường hợp khác, chị Nguyễn Thị M. chia sẻ: “Tôi người xứ khác đến Bình Thuận lập nghiệp, điều kiện kinh tế khó khăn. Bé trai mới hơn 6 tháng tuổi, được gửi ở 1 nhóm trẻ gần nhà để thuận tiện giờ giấc đi làm. Tuy nhiên, sau vài ngày gửi, tay chân cháu có nốt phỏng và sốt. Đến phòng khám tư, bác sĩ đề nghị đưa cháu đến bệnh viện vì mắc bệnh TCM. Lâu nay, tôi cũng chưa hề biết bệnh TCM ra sao!”.

Tại thời điểm này, khoa nhiễm đang tiếp nhận điều trị 15 ca bệnh TCM, phần lớn trẻ dưới 5 tuổi. Thậm chí, trẻ vài tháng tuổi cũng mắc bệnh TCM. Nguyên nhân mắc bệnh là mút tay, ngậm tay và đồ chơi mà chưa được rửa sạch hoặc chơi, bò trên sàn nhà lau chưa sạch… Đó là thông tin của bác sĩ Dương Thị Lợi, Trưởngkhoa nhiễm (Bệnh viện đa khoa tỉnh). 

Rải rác trong cộng đồng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 9 tháng, toàn tỉnh ghi nhận 438 ca mắc bệnh TCM, giảm 33,7% so cùng kỳ 2018 (661 ca). Chẳng hạn, nếu cùng kỳ năm 2018, Phan Thiết là nơi có số trẻ mắc bệnh tương đối cao (88 ca), thì 9 tháng của năm 2019 chỉ 31 ca bệnh, phân bố rải rác tại các gia đình. Riêng tháng 9, số lượng bệnh trên toàn tỉnh có chiều hướng gia tăng; với 149 ca mắc bệnh, tăng 1,6 lần so với tháng 8 (93 ca), không có tử vong; chủ yếu tập trung tại các huyện như Đức Linh (37 ca), Tánh Linh (19 ca), Tuy Phong (19 ca), Hàm Thuận Bắc (17 ca). Cũng tháng này, 9/149 ca mắc rải rác các trường mầm non, nhóm trẻ tại huyện Tuy Phong.

Trưởngkhoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Nguyễn Thị Thọ (Trung tâm
Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Nhìn chung, số ca mắc bệnh TCM trên toàn tỉnh chủ yếu xảy ra ở trẻ từ 1 - 3 tuổi, giảm nhiều so năm trước. Tuy nhiên, tháng 9/2019 tăng cao do thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường tạo điều kiện vi rút gây bệnh này phát triển. Theo biểu đồ bệnh của những năm gần đây, tình hình bệnh TCM sẽ tương tự như các năm trước, có thể gia tăng vào tháng 7, 10 và 11; chiều hướng giảm lại vào tháng 4 và 5. Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng, tốc độ lây lan sẽ nhanh hơn, trong thời gian tới, nếu như phụ huynh và người dân trong cộng đồng không vệ sinh sạch tay chân trẻ, đồ chơi và môi trường…”.

Bác sĩ Lợi chia sẻ: “Khoa nhiễm tiếp nhận điều trị nội trú 125 ca TCM (từ đầu năm đến nay) với triệu chứng sốt, giật mình, nốt phỏng tay, chân… Trẻ nhẹ hơn chỉ điều trị ngoại trú, nhưng số này cao hơn nhiều so với số điều trị nội trú, chưa kể số lượng trẻ mắc bệnh TCM điều trị ở những phòng khám tư”.  

Vệ sinh tốt tránh mắc bệnh

Từ thông tin và số liệu trên cho thấy bệnh TCM vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng số mắc trong cộng đồng. Nếu như làm tốt các giải pháp phòng bệnh ngay từ đầu mùa bệnh, thì số ca mắc bệnh, nguy cơ lây bệnh sẽ được giảm ở mức tối thiểu.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh TCM chưa có vắcxin phòng ngừa, có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện xử lý kịp thời. Vì vậy, phụ huynh cần chủ động phòng ngừa trẻ mắc bệnh bằng cách rửa sạch tay chân trẻ bằng xà phòng, rửa sạch đồ chơi, lau sạch sàn nhà… Khi trẻ mắc bệnh, gia đình dừng việc đưa trẻ đến trường, nơi vui chơi công cộng và đưa đến cơ sở y tế để điều trị.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh tay chân miệng: Giảm chậm, tăng nhanh