Theo dõi trên

Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận tiếp tục dừng tiếp nhận bệnh: Các bệnh viện tuyến dưới “chia lửa”, tiếp nhận bệnh nhân chạy thận

27/06/2021, 07:44

BTO- Nghe tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận tiếp tục tạm ngưng tiếp nhận khám, chữa bệnh thêm 4 ngày từ 0 giờ ngày 27/6 để phòng chống dịch Covid – 19, nhiều bệnh nhân đang chạy thận ở bệnh viện rất lo lắng vì không biết phải đi đâu và chi phí điều trị khá cao so với thu nhập của họ.

Mắc bệnh thận gần 2 năm nay, anh N.H.T.V (P. Xuân An) không còn khả năng lao động, sức khỏe yếu phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương ít oi của vợ. Mỗi tuần anh phải chạy thận 3 ngày ở bệnh viện tỉnh, mỗi lần mất phí 250.000 đồng do anh có thẻ BHYT. Khi dịch Covid – 19 bùng phát, có ca dương tính ngay trong bệnh viện, thì việc ngưng nhận bệnh là bất khả kháng. Ngày 24/6 đến lịch anh V. chạy thận, nhưng bệnh viện tỉnh có lệnh ngưng nhận bệnh, anh đến bệnh viện Tâm Phúc để được chạy thận theo định kỳ. Tại đây, bệnh viện yêu cầu anh phải lấy mẫu xét nghiệm Covid – 19 và phải trả phí 240.000 đồng. Khi có kết quả âm tính, anh V. mới được tiếp nhận chạy thận với chi phí khá cao khi điều trị ở bệnh viện tỉnh. Rơi vào tình huống buộc phải chạy thận, nên anh V. đành ngậm ngùi chạy đỡ, chờ bệnh viện tỉnh tiếp nhận bệnh lại. Nhưng nay, anh lại hay tin, bệnh viện tỉnh tiếp tục ngưng nhận bệnh thêm 4 ngày nữa để điều tra, xét nghiệm tầm soát đảm bảo an toàn cho công tác phòng, chống dịch, anh V. rất lo lắng, “Nếu bệnh viện tỉnh ngưng tiếp nhận bệnh trong thời gian dài thì những người chạy thận có hoàn cảnh khó khăn như tôi không biết đủ chi phí để tiếp tục điều trị. Không chỉ vậy, hiện nay bệnh viện Tâm Phúc chỉ có 9 máy chạy thận nhưng rất đông bệnh nhân, do đó phải chia thời gian và chia máy ra chạy đỡ”.

Cũng rơi vào trường hợp đang chạy thận như anh V., anh N. T. N (P. Phú Trinh) chia sẻ thêm: “Nếu chẳng may dịch bùng phát mạnh, những người đang chạy thận nằm trong khu cách ly thì phải có phương án dành cho những bệnh nhân đặc biệt này. Vì nếu chúng tôi không được chạy thận kịp thời có thể ngưng tim, nguy hiểm tính mạng. Và bệnh nhân mắc bệnh thận nếu không may bị Sars – CoV- 2 sẽ có tỉ lệ tử vong rất cao. Vì vậy, trong ngày đầu bệnh viện tỉnh ngưng nhận bệnh, nhiều bệnh nhân tìm máy ở Phan Thiết không có, phải vào huyện Hàm Thuận Nam để chạy đỡ, rất khó khăn”.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Đặng Thức Anh Vũ chia sẻ: “Dự báo được tình hình này, ngày 24/6 Sở Y tế đã có công văn về việc chuyển bệnh nhân đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh (trừ bệnh viện tỉnh và TTYT huyện Tuy Phong) phải tiếp nhận các bệnh nhân đã đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc TTYT huyện Tuy Phong đến khám và điều trị khi bệnh nhân có nhu cầu, đặc biệt các trường hợp cấp cứu, chuyển tuyến… Riêng đối với các trường hợp chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa An Phước, Tâm Phúc, TTYT huyện Hàm Thuận Nam… tạo điều kiện tiếp nhận bệnh từ bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận tiếp nhận bệnh nhân từ TTYT huyện Tuy Phong. Các đơn vị tập trung nguồn lực, bố trí thêm giường bệnh và bố trí thời gian tối đa (ca 3, ca 4 kể cả thứ 7 , chủ nhật, ngày lễ…) để thực hiện chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân”. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang rà soát và liên hệ các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo để xem các bệnh viện tuyến dưới có đáp ứng đủ máy cho các bệnh nhân chưa. Hiện Bệnh viện Tâm Phúc chỉ mới tiếp nhận 16 ca, An Phước 4 ca.

Sau khi có công văn khẩn của Sở Y tế, hiện nay các bệnh viện tuyến dưới như An Phước, Tâm Phúc và TTYT huyện Hàm Thuận Nam đã “chia lửa” tiếp nhận bệnh từ bệnh viện tỉnh, kể cả bệnh nhân chạy thận. Đối với các bệnh viện tư nhân, trước khi chạy thận, các bệnh nhân phải có kết quả xét nghiệm SARS – CoV – 2 âm tính bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng phương pháp RT – PCR. Được biết, hiện nay các điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm Phúc, An Phước phải tăng ca liên tục để hỗ trợ máy chạy thận nhân tạo chạy hết công suất.

Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh thêm, “trong trường hợp các bệnh viện, TTYT tuyến huyện không đáp ứng đủ máy cho các bệnh nhân đang chạy thận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tính đến phương án mở lại khoa thận cho các bệnh nhân với điều kiện những bệnh nhân này sẽ cách ly tại bệnh viện đến khi bệnh viện gỡ bỏ phong tỏa”.

M. Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận tiếp tục dừng tiếp nhận bệnh: Các bệnh viện tuyến dưới “chia lửa”, tiếp nhận bệnh nhân chạy thận