Theo dõi trên

Biến đổi khí hậu và những hệ lụy đối với sự phát triển du lịch

23/11/2021, 07:23 - Lượt đọc: 4,848

BT- Được mệnh danh là thiên đường resort và là điểm đến hoàn hảo cho một nơi nghỉ dưỡng biển, Bình Thuận có nhiều bãi biển đẹp, nước b iển trong xanh, hải sản tươi sống và các dịch vụ du lịch tuyệt vời.

Một khu du lịch bị biển xâm thực. Ảnh: Đ.Hòa

Những năm gần đây, với ưu thế về biển, du lịch biển đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Thực tế cho thấy, du lịch biển của tỉnh phát triển rất phong phú và đa dạng với nhiều loại hình thu hút khách du lịch, trong đó có các khu resort. Nhưng hiện nay, ngành du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng đang đứng trước những vấn đề lớn về môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, như ô nhiễm, biển xâm thực và vấn đề mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các hiện tượng cực đoan về thời tiết như: mưa bão, lũ, ngập úng kéo dài đã gây hư hại nhiều di tích lịch sử văn hóa. Không chỉ đối với du lịch, biến đổi khí hậu làm triều cường dâng, sóng lớn tàn phá các khu dân cư ven biển, gây xói lở bờ biển mất hàng trăm ha đất ở nhiều địa phương ven biển của tỉnh; thủy triều gây nên xói lở, bồi tụ tại các luồng lạch ảnh hưởng đến giao thông vận tải biển… Những năm qua, TP. Phan Thiết hay huyện Tuy Phong là những địa phương hứng chịu thiệt hại nặng nhất về vấn đề này. Trong đó điển hình là việc xói lở khu vực phường Đức Long, khu vực Đồi Dương phường Hưng Long, xã Tiến Thành, phường Phú Hài (TP. Phan Thiết); hiện trạng xói, bồi xen kẽ thuộc bờ biển xã Phú Hòa; xói lở bờ biển xã Bình Thạnh; bồi tụ khu vực Phan Rí Cửa (Tuy Phong)… Bên cạnh đó, một số công trình ven biển sau khi được xây dựng đưa vào sử dụng đã xảy ra quá trình tương tác giữa công trình với bãi biển cũng như các quá trình thủy thạch động lực và các yếu tố môi trường xung quanh. Các công trình trên đã chặn dòng bùn, cát dọc bờ, làm thay đổi phân bố năng lượng của trường sóng tới và hình thành quá trình xói lở hoặc bồi tụ mới, dẫn đến đường bờ tiếp giáp với các khu vực được xây kè bảo vệ bị xói lở mạnh. Tại các cửa biển có xây hệ thống kè bảo vệ luồng lạch thì một bên bờ bị xói lở nghiêm trọng, bên đối diện lại bồi lấp mạnh. Tại các bãi tắm du lịch có xây kè bảo vệ bãi biển bị xói lở cũng dần bị thu hẹp hoặc biến mất…

Từ những thực trạng trên, công tác phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng chống thiên tai, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với cộng đồng an toàn. Thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung các phương án, kế hoạch, nhiệm vụ phòng chống thiên tai với các tình huống cực đoan, bất lợi nhất của thời tiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời chủ động công tác cứu hộ, cứu nạn...

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến đổi khí hậu và những hệ lụy đối với sự phát triển du lịch