Theo dõi trên

Biển Lạc - mùa chà cá

17/01/2024, 05:57

Biển Lạc là hồ nước tự nhiên không chỉ gắn liền với tên gọi của huyện Tánh Linh mà bao đời nay, hồ nước tự nhiên tuyệt đẹp có diện tích lên đến hơn 1.500 ha đã nuôi sống bao thế hệ con người nơi này.

Với đặc sản là những loại cá nước ngọt như: Bống mú, trạch lấu, lóc đen, cá lăn, cá leo đã đủ cho ai đó nghe đến cũng muốn tìm về. Để thưởng thức được tất cả các loại đặc sản đó thì nguời dân nơi đây có một cách đánh bắt rất phổ biến vào những ngày biển Lạc vào mùa nước cạn đó là nghề bắt chà.

z5076458558690_e0ce3cf9f26e45aade88e342d033dbda.jpg

Cứ vào đầu tháng 12 âm lịch, khi những cơn gió bấc hanh khô tràn về, những thửa ruộng ven bờ Biển Lạc đã lên 1 màu xanh mơn mởn thì nước ở Biển Lạc bắt đầu cạn dần. Đó chính là lúc bà con ở xã Gia An – huyện Tánh Linh tất bật cho mùa chà cá.

Sở dĩ người ta chọn mùa này là mùa đánh chà vì diện tích mặt nước ở hồ Biển Lạc chỉ còn khoảng 1.000 ha và nơi thả chà được chỉ còn sâu dưới 1.6m nước thích hợp cho việc đánh bắt. Biển Lạc có diện tích mặt nước rộng lớn, nhiều chỗ có độ sâu hơn 10m, vì thế số lượng cá không tập trung mà phân tán nên giăng câu thả lưới thường không đem lại hiệu quả cao. Phương pháp thả chà hay còn gọi là làm nhà cho cá vào sống rồi vây lưới bắt. Cách làm này tuy nặng nhọc và mất nhiều công sức, nhưng kết quả thu hoạch hiệu quả, kinh tế cao.

Chúng tôi về Biển Lạc vào một sáng cuối năm. Nắng chỉ vừa qua khỏi ngọn núi Ông nhưng đã vàng như mật. Hồ Biển Lạc bình yên, mờ ảo trong những tia nắng xuyên qua lớp sương mù lãng đãng, mỏng tang. Gió thổi nhẹ, từng con nước lăn tăn vỗ mạn thuyền, vài giọt tung bắn lên người mát lạnh. Cảnh vật nên thơ, trìu mến dễ làm người ta xao xuyến, bâng khuâng.

Anh Hoàng Văn Cần là người thôn 1, xã Gia An, huyện Tánh Linh. Anh làm nghề bắt cá chà trên hồ Biển Lạc lâu rồi. Từ lúc còn là thanh niên đến khi lập gia đình rồi bì bõm cùng với cuộc mưu sinh thì nghề bắt cá chà theo anh từ đó. Hơn 30 năm làm nghề, nhưng mỗi khi đến mùa bắt chà cá đều là những ngày vui nhất trong cái nghề ăn bọt nước.

z5076458705591_725ccd1dbb1e84a50791b154055e4b19.jpg

Chà cá nước ngọt mà điển hình là ở hồ Biển Lạc khác xa với chà cá nước mặn ở biển. Ở đây người ta chặt rất nhiều chà cây, tàu dừa có chiều dài từ 1,5 - 2 m thả thành đống dưới nước đến khi nào chà cây nhô lên mặt nước thì xong. Nơi thả chà có độ sâu chừng 2,6 - 2,7 m và bãi chà có đường kính hình tròn chừng 5 - 8 m. Ở Biển Lạc có những 20 hộ dân làm chà. Người làm ít thì có hơn 10 đống, đa phần thì mỗi người có 20 đống, nhưng riêng anh Cần có gần 30 đống và ngày nào anh cũng bắt liên tục đến giáp Tết nguyên đán mới thôi.

Cách bắt chà ở Biển Lạc khá giống với cách bắt chà ở biển nhưng quy mô nhỏ hơn. Bắt đầu, người ta thả lưới bao xung quanh đống chà, một người ở trên thuyền, 3 người xuống nước dỡ chà ra khỏi lưới. Để tránh bị lạnh, mỗi người uống vài hớp nước mắm nhỉ cho ấm cơ thể. Những chà cá dần cũng được vớt hết lên bỏ sang 1 bên làm 1 chà mới. Lưới vây cũng đã chặt dần. Đàn cá mất chà nên mất phương hướng cứ lượn lờ, vùng vẫy trong lưới. Công đoạn cuối cùng của bắt chà đó là vây lưới lại không cho đàn cá thoát ra ngoài. Lúc này, người ta mới chọn lựa và phân loại ra từng loại cá để bán vào phiên chợ đêm.

Trời trưa, chúng tôi lên bè cá để nghỉ ngơi và ngắm nhìn những giọt nắng vàng đang trải đều khắp mặt hồ Biển Lạc. Không gian yên tĩnh, cô liêu. Xa xa, những người đánh bắt cá bằng nghề thả lưới chèo thuyền trông thật lẻ bóng, nhỏ nhoi.

Bữa cơm trưa của những người bắt chà thường là những con cá vừa bắt được. Nhâm nhi ly rượu, anh Cần chậm rãi kể chuyện về hồ Biển Lạc với vẻ tiếc nuối nhưng cũng rất tự hào: Ngày xưa Biển Lạc đẹp và hùng vĩ lắm. Biển Lạc lớn lắm, nước mênh mông, nhiều cây gỗ quý, thân to 2 người ôm mọc cả ven bờ. Vào mùa xuân hay mùa hè, hoa lan nở rất đẹp và thơm ngát. Cá ở Biển Lạc ngày xưa không làm gì cho hết được, thậm chí có cả rái cá sinh sống, sau này người ta bắt tận diệt.

Vào mùa chà cá, ở Biển Lạc hình thành nên 1 chợ đêm cá đồng rất thú vị. Những con cá bắt được vào buổi sáng người ta rộng lưới ở hồ cho tươi rồi đưa vào bờ buôn bán vào đêm khuya. Thường là 11h khuya, những chiếc thuyển chở đầy cá chạy vào bờ. Ở đây, các thương lái đã chờ sẵn và ra giá cho từng loại cá và từng kích cỡ. Phiên chợ này thường kết thúc vào 2h sáng hôm sau. Những thương lái tỏa về các chợ để bán, người bắt chà trở về nghỉ ngơi chuẩn bị cho buổi bắt chà vào sáng sớm.

Nghề chà ở Biển Lạc tuy cực nhưng vui. Một mùa chà có thể giúp cho bà con làm nghề có được 1 cái tết đủ đầy, ấm cúng. Ngoài lợi ích kinh tế thì đây là một nét đẹp của những người dân vùng Biển Lạc này. Vào mùa bắt chà, nhiều du khách và bạn bè đến tham quan, thưởng ngoạn nên những người bắt chà ở Biển Lạc luôn thảo lòng dành phần cho khách những con cá tươi ngon nhất.

VÕ THIỆN NHO


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thưởng ngoạn chùa đá Mẹp
Bên cạnh ngôi cổ Thạch tự hay còn gọi là chùa Hang khá nổi tiếng thì ở Tuy Phong còn có 1 ngôi chùa cổ khác cũng có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với nhiều giai thoại.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biển Lạc - mùa chà cá